Băn khoăn về địa vị pháp lý của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
“Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên thuộc Trung ương không thì tỉnh nào cũng đòi có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, GS Nguyễn Đăng Dung nêu ý kiến.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giới thiệu về chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Tại Hội thảo “Tổ chức và hoạt động tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/9, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nên đưa đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị cấp tỉnh chứ không phải trực thuộc tỉnh như tinh thần dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để đảm bảo việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế, Chính phủ đề nghị xác định chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải cấp chính quyền địa phương.
Do không tổ chức HĐND và UBND tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên chính quyền địa phương tại 3 đơn vị này là thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Hội đồng Giám sát và tư vấn. Tuy nhiên, quy định Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh là vấn đề còn nhiều tranh luận, có nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt là vấn đề “Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh”.
Các nhà khoa học cho rằng, quy định như vậy thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chỉ tương đương cấp huyện. Theo GS. TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Thêm nữa, trong hơn 100 thẩm quyền của Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có 77 thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải tương đương cấp tỉnh.
GS Trần Ngọc Đường lại phản ứng với những quy định: Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Thủ tướng bổ nhiệm lại chịu trách nhiệm trước HĐND và UBND cấp tỉnh. Như vậy, Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dù có nhiều thẩm quyền, có vị thế đặc biệt nhưng lại có nhiều quy định phụ thuộc vào UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. “Như vậy là trái Hiến pháp, không phù hợp với các luật liên quan”. “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên thuộc Trung ương không thì tỉnh nào cũng đòi có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, GS Nguyễn Đăng Dung đồng tình.
Tham gia phát biểu, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là phải tạo ra được mô hình nào đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ chứ như đã biết, tổ chức chính quyền hành chính hiện này “nhiều trói buộc kinh khủng”. Dẫn ví dụ của Thẩm Quyến (Trung Quốc) và bây giờ là đặc khu Tiền Hải, nằm trong lòng Thẩm Quyến, dù rất nhỏ bé nhưng thực tế quyền lực của người đứng đầu các đơn vị này rất lớn - quyền lực chuyển trực tiếp từ lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, phạm vi thẩm quyền mà thậm chí người lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Châu cũng không có…
TS Thiên nhấn mạnh: “Làm sao để đặc khu không phải để thu hút đầu tư trong nước mà để hút về những nguồn lực cao nhất của thế giới - đó phải là những nhà đầu tư hạng nhất, những công nhân hạng nhất. Việc soạn thảo cơ chế phải nhằm vào mục đích phục vụ việc này thì mới tạo được sức cạnh tranh cho các đặc khu của Việt Nam so với những Hồng Kông, Ma Cao, Thẩm Quyến xung quanh”.
Nêu ra hàng loạt băn khoăn về “lợi ích nhóm”, thời hạn giao đất, lo ngại về những “đơn vị ngoại bang” tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Phó Giáo sư Huỳnh Ngọc Giao nói ông chưa thấy tin tưởng vào hiệu quả của Hội đồng tư vấn và giám sát vì về nguyên lý, cơ quan này có khả năng rất quan liêu vì làm việc kiêm nhiệm.
Để thực sự “đột phá”, ông Giao cho rằng, vẫn tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. HĐND và Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (không tham gia hội đồng) do dân bầu trực tiếp để nhân dân cũng giám sát. “Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì lợi ích nhóm len lỏi vào đây và 3 đặc khu dễ trở thành 3 miếng mồi ngon lành” - Phó Giáo sư Huỳnh Ngọc Giao cảnh báo.