Giới phân tích: Lời đe dọa của Tổng thống Trump có thể phản tác dụng
Bằng lời đe dọa "hoàn toàn hủy diệt" Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã đưa ra lời biện minh không thể chối cãi cho việc Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân của họ với mục đích tự vệ; nhiều nhà phân tích hôm 20-9 đưa ra nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. (Nguồn: AFP).
Giọng điệu đe dọa
Lãnh đạo Mỹ đã tận dụng bài phát biểu đầu tiên của ông trước Đại hội đồng LHQ để đưa ra lời cảnh báo lạnh gáy đối với chính quyền Bình Nhưỡng, sau khi nước này thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và phản ứng trước lệnh trừng phạt mới bằng cách thử tên lửa có tầm bắn xa nhất qua không phận Nhật Bản.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump nói rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang "trong một nhiệm vụ tự sát đối với bản thân và cả chính quyền" của ông.
Nếu nước Mỹ "bị ép phải tự vệ hay bảo vệ các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", ông Trump nói.
Theo giới phân tích quốc tế, không những không thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, bài phát biểu của ông Trump còn có thể gây tác dụng ngược.
"Bằng những lời lẽ này, Tổng thống Trump đã cho chính quyền ông Kim một lời đe dọa của thế kỷ" - Marcus Noland, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định - "Nó sẽ được đăng tải trên kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên như một bằng chứng rằng Bình Nhưỡng cần công cụ ngăn chặn sự hung hăng của Mỹ".
Joel Wit, chuyên gia phân tích thuộc Viện Mỹ-Hàn, ĐH Johns Hopkins, cho rằng dù đã nêu rất rõ ràng quan điểm, nhưng vẫn chưa rõ liệu Washington đã sẵn sàng trả cái giá về nhân mạng để khởi dậy một cuộc xung đột hay chưa. Tuy nhiên, Tổng thống Trump là "người khó lường và rất khó để đoán xem lúc nào ông ta nói nghiêm túc".
Mỹ hiện đang duy trì 28.500 binh sỹ ở Hàn Quốc, như một di sản từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, chấm dứt chỉ nhờ một lệnh ngừng bắn chứ không có hiệp ước hòa bình nào.
Ngoài các mối đe dọa về đòn tấn công hạt nhân, Triều Tiên thỉnh thoảng nã pháo gây gia tăng căng thẳng ở khu vực biên giới, đặt thủ đô Seoul cùng hàng triệu người dân thành phố này vào tầm ngắm. Nhật Bản cùng các thành phố lớn của họ cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Bất cứ một đòn tấn công nào của Mỹ đối với Triều Tiên cũng sẽ gặp rủi ro về đòn đáp trả gây tổn thất sinh mạng. Hồi đầu năm nay, cựu cố vấn của ông Trump, Steve Bannon, từng nói với tờ The American Prospect rằng: "Không hề có giải pháp quân sự nào, hãy quên nó đi".
Bởi vậy, theo ông Wit, lời đe dọa mà Tổng thống Trump mới phát đi có thể chỉ là một lời đe dọa...
Lằn ranh đỏ không rõ ràng
Jeung Young-Tae, giám đốc Viện nghiên cứu quân sự thuộc ĐH Dongyang (Hàn Quốc), nói rằng mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ Triều Tiên lại cho thấy nước này không hề coi những bình luận vừa qua của Tổng thống Trump là một lời đe dọa suông.
"Vấn đề ở đây là, lằn ranh đỏ nào sẽ khiến lựa chọn quân sự được đưa ra?" - ông Jeung nói, thêm rằng, trong lúc khả năng xung đột xảy ra là rất thấp, các hành động khiêu khích của Triều Tiên ngày càng khiến Mỹ khó chấp nhận tổ chức đối thoại.
"Chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và hạt nhân của họ đơn giản là đã trở nên quá lớn và quá nguy hiểm để có thể xem như một công cụ mặc cả trên bàn đàm phán. Giờ, mối đe dọa này là rất hiện hữu đối với nhiều người Mỹ" - ông Jeung nhận định.
Trong trường hợp, phát ngôn của Tổng thống Trump nhằm mục đích mang Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, hướng tiếp cận của ông dường như đã đi ngược lại điều ông mong muốn, Mira Rapp-Hooper, học giả thuộc Trung tâm Paul Tsai china, ĐH luật Yale, nhận định.
Cũng trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Trump còn đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran, liên quan tới chương trình vũ khí của nước này - một động thái khiến cho nước Mỹ trở thành một đối tác đáng tin cậy ít hơn trong mắt cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc từ lâu đã cố gắng làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng việc kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán, nhưng họ vấp phải sự thờ ở của nước Mỹ.
Bà Rapp-Hooper cho rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu phát ngôn của Tổng thống Trump có phải một chiến lược để gây sức ép với Bắc Kinh đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, hay bản thân ông tin vào hiệu quả của hành động quân sự.