Nan giải bài toán năng lượng sạch
Năng lượng tái tạo mang lại cơ hội chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên sang hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch để phát triển bền vững.
Đó là điều đã được thế giới khẳng định, song đối với Việt Nam, bài toán sử dụng năng lượng sạch vẫn đang là bài toán khó.
Khảo sát đánh giá về tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Ngại đầu tư
Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… được coi là những giải pháp mang tính chất bền vững cho bài toán an ninh năng lượng của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của các doanh nghiệp (DN), những khoản đầu tư cho giải pháp năng lượng đòi hỏi đầu tư rất cao nhưng khả năng thu hồi lại lâu.
Đơn cử như trường hợp hệ thống năng lượng mặt trời, thời gian thu hồi vốn tính từ 10 đến 20 năm. Do đó, việc thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp khó khăn.
Trong khi đó, ở các nước, DN lại rất quan tâm đến năng lượng xanh. Những công ty đa quốc gia như Mars, Coca-Cola, HP, IKEA… đều đã có định hướng cụ thể cho việc sử dụng 100% năng lượng tự nhiên vào 10 năm hoặc chậm nhất là 20 năm tới.
Rõ ràng, không ai phủ nhận rằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là lời giải tất yếu cho một nền kinh tế muốn phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thu hút cộng đồng DN tham gia đầu tư lại không phải dễ.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vai trò của năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế hiện nay rất lớn. Do đó, cần thiết có sự tương tác giữa những người làm chính sách, các nhà khoa học, DN, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Nhận định về tính ưu việt của năng lượng tái tạo, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cho rằng, năng lượng tái tạo mang lại cơ hội chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên sang hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch để phát triển bền vững.
Đây cũng là cơ hội tiếp cận năng lượng cho người nghèo, ở vùng sâu vùng xa, với sự phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ, giá cả của năng lượng tái tạo cũng không còn xa xỉ.
“Nhà nước cần có nhiều nỗ lực hơn để có các cơ chế hướng dẫn cụ thể, kết nối nhu cầu và sản xuất, tăng cường phối hợp giữa địa phương và trung ương” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Tiềm năng cần khai thác
Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn xoay quanh câu chuyện giải bài toán an ninh năng lượng với mục tiêu làm sao để tăng được nguồn năng lượng tái tạo thay vì tiếp tục chạy các nhà máy nhiệt điện than tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thất lớn cho môi trường.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương cũng vừa tổ chức một tuần lễ chuyên về năng lượng tái tạo cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, để giải được bài toán năng lượng hiện nay, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, cần phải có những thay đổi trong Quy hoạch điện VII.
Theo đó, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần được cập nhật và sửa đổi theo hướng giảm nhiệt điện than và tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo vì hiện nay quy hoạch này đang không đồng bộ với các chính sách năng lượng và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam.
Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu quá lớn nếu tiếp tục xây dựng mới khoảng 40 MW nhiệt điện than vào năm 2030. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, cùng với sự tiến bộ về khoa học, công nghệ, năng lượng tái tạo không những cạnh tranh về mặt kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hạn chế các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, kém hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Nên khuyến khích và đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhằm giảm nhu cầu sản xuất năng lượng.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chi phí sản xuất điện mặt trời đang giảm xuống trên khắp thế giới. Việt Nam đang có một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc xây dựng nhanh và sản xuất điện sạch.
“Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện năng của đất nước với các giải pháp tái tạo bền vững như phát triển thủy điện, tiết kiệm năng lượng hơn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tăng tính hiệu quả của lưới điện trong truyền tải và phân phối” - ông Ousmane Dione nhận định.