Cổ phần hóa hãng phim để làm gì?
Dư luận tiếp tục dậy sóng về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Để làm dịu dư luận, chiều 19/9, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty vận tải thủy Nguyễn Thủy Nguyên đã đối thoại với cán bộ nhân viên VFS và mời phóng viên báo chí tham dự.
Cuộc đối thoại kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ không làm thỏa mãn những băn khoăn khúc mắc của các nghệ sĩ. Với các phóng viên báo chí, qua cuộc đối thoại cũng thất vọng vì không có được những thông tin cần thiết.
Tù mù lối thoát hậu cổ phần hóa hãng phim.
Gần hai tiếng đồng hồ diễn ra cuộc đối thoại là những tranh cãi vụn vặt giữa các nghệ sĩ và ông Nguyễn Thủy Nguyên. Với nghệ sĩ, nhiều ý kiến bày tỏ, cổ phần hóa là cần thiết nhưng không phải cổ phần hóa để chọn tình cảnh bi đát hơn.
Câu chuyện về giờ làm việc theo lối hành chính được đưa ra và gây nhiều tranh cãi. Nhiều nghệ sĩ cho rằng đối với nghệ thuật việc chấm công là hết sức máy móc, cản trở sự sáng tạo và tìm kiếm cơ hội.
Ông Nguyên không đưa ra được cách quản lý cán bộ con người theo căn cứ quy định nào của pháp luật mà chỉ nói nếu ai không muốn tính theo cách chấm công thì đăng ký theo sản phẩm. Và ai cũng phải làm thì mới có lương. Có nghệ sĩ hỏi sản phẩm thì có khi mấy năm một đạo diễn mới làm được một phim thì trả lương theo cách nào?
Ông Nguyên còn chê NSND đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trong suốt mấy năm vừa qua chỉ làm được một bộ phim. NSND Nguyễn Thanh Vân trả lời, nhưng một bộ phim đó đã đem lại một khoản tiền lớn nuôi sống nhiều cán bộ nghệ sĩ Hãng trong mấy năm qua…
Ông Nguyên cũng không trả lời được căn cứ vào quy định nào lại tạm trả lương cho nghệ sĩ người này vài ba triệu, người kia mấy trăm.
Việc sắp xếp lại các phòng quay phim, biên kịch, đạo diễn từ ba phòng vào một không gian khoảng 20 m2 cũng gây bức xúc cho nghệ sĩ.
Ông Nguyên khẳng định lấy một số phòng sát mặt phố Thụy Khuê không phải để cho thuê quán phở, bún hay chân gà nướng như nghệ sĩ phản ánh cho báo chí mà sẽ sửa hoặc đập đi dựng quảng cáo.
Nghệ sĩ điện ảnh sẽ làm gì? Câu hỏi tưởng dành cho người sử dụng lao động hóa ra lại dành cho chính nghệ sĩ. Khi ông Nguyên nói, nếu nghệ sĩ không có tài ở trung ương, sẽ phải về tỉnh, về huyện hay xã mà tìm việc, tìm kiếm hợp tác làm phim. Còn nếu đạo diễn không có việc sẽ chuyển sang làm phó đạo diễn, trợ lý hay công việc khác…
Vấn đề quan tâm của phóng viên báo chí không được ông Nguyên giải đáp trực tiếp vào câu hỏi mà vòng vo, trốn tránh. Câu chuyện về việc xác định giá thương hiệu VFS để tăng phần vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa, ông Nguyên cho đó là chuyện của Chính phủ.
Còn với tỷ lệ % của Công ty vận tải thủy có thể sẽ giảm từ 65% xuống còn 50 hay 40% là tùy định giá. Vấn đề này đã được báo Đại Đoàn Kết phản ánh ngày 18/9.
Vấn đề sử dụng đất vàng tại số 4 Thụy Khuê được ông Nguyên cho biết sẽ tiến hành xây dựng trụ sở và rạp chiếu phim hiện đại. Nơi đây sẽ là nơi chiếu phim, giao lưu với những nhà đạo diễn, diễn viên nổi tiếng thế giới…
Phim trường Cổ Loa, khu đất tại Hoàng Hoa Thám hay Thái Văn Lung ở TP Hồ Chí Minh đều không được ông Nguyên cho biết sử dụng như thế nào. Chỉ biết là Công ty sẽ thuê và trả tiền sử dụng các khu đất hàng năm.
Với kế hoạch sản xuất 1 phim truyện nhựa và 1 phim truyền hình/năm, sẽ dôi dư nhiều nghệ sĩ và cán bộ không có việc làm. Vậy sẽ tính sao việc chi trả lương cho họ?.
Liệu Công ty sẽ thực hiện việc kinh doanh nhà hàng để có doanh thu phục vụ việc nuôi bộ máy và sản xuất phim? Câu hỏi này không được ông Nguyên giải đáp.
Với những câu trả lời và giải đáp của ông Nguyên, hơn 3 giờ đồng hồ trôi qua nhưng như đánh đố các nghệ sĩ và phóng viên báo chí về kế hoạch vực dậy một Hãng phim truyền thống. Người nghệ sĩ phấp phỏng bấp bênh về tương lai của mình. Nghệ sĩ cả đời trau dồi kỹ năng về phim, họ chấp nhận lương và chế độ thấp để được làm nghề.
Nhưng với cung cách trả lời của vị “thuyền trưởng” họ không biết bến bờ nào sẽ được đưa tới? Kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn đều mịt mờ. Việc sử dụng tài nguyên đất rộng rãi từ các vị trí đắc địa chưa rõ sẽ ra sao?
Suốt hơn 3 giờ tranh cãi, đòi hỏi thông tin mà không được thỏa mãn khiến bao người nghệ sĩ và phóng viên băn khoăn: Vậy cổ phần hóa VFS để nhằm mục đích gì?
Khi dư luận ồn ã, sáng 20/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đội mưa tới số 4 Thụy Khuê để thực mục sở thị cơ ngơi VFS.