Lạm dụng xã hội hóa

Thu Hương 21/09/2017 08:50

Theo ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, để giải quyết tận gốc vấn đề lạm thu, tới đây Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí đủ kinh phí chi khác cho cơ sở giáo dục, đảm bảo tối thiểu 20% theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo nguồn chi cho các cơ sở. Có như vậy, tình trạng lạm thu mới từng bước được giải quyết.

Tranh minh họa.

Qua kiểm tra các cơ sở giáo dục được báo chí phản ánh có hiện tượng lạm thu đầu năm học tại 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh tra Bộ GDĐT đã phát hiện các cơ sở đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định.

Đáng chú ý là những khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhiều khoản thu được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với các quy định đã được ban hành.

Thậm chí, có địa phương Chủ tịch UBND xã phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện không đúng quy định như Chủ tịch UBND xã Minh Tân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và chủ tịch UBND phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh.

Phải nhắc lại về vấn đề tự nguyện, thỏa thuận khi rất nhiều các khoản thu được nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu đều là mức thu bình quân, không trên tinh thần “ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít” nên mới tạo ra bức xúc trong dư luận.

Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn vẫn phải gồng mình lên, đóng góp theo đề xuất của những phụ huynh có điều kiện tốt hơn để tránh cho con cái khỏi bị xấu hổ với chúng bạn, bị thầy cô không ưa…

Có ý kiến cho rằng tại sao những phụ huynh đó không phản ứng ngay trong cuộc họp nếu không đồng ý với ý kiến của nhà trường, Ban phụ huynh đưa ra?

Trên thực tế, nếu ai đã từng tham dự các cuộc họp đầu năm đều biết trước khi công bố các khoản thu theo chỉ đạo của cấp trên, giáo viên chủ nhiệm luôn nhấn mạnh nhà trường đã thông qua các cấp phê duyệt, được Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng ý. Mọi sự đã rồi như thế, mấy ai còn không “tự nguyện” đóng dù trong lòng đầy bức xúc?

Những khoản thu tự nguyện gắn mác “xã hội hóa” trong giáo dục không còn là hiện tượng mà đã trở thành vấn nạn lâu nay khiến phụ huynh bức xúc nhưng chưa có cách gì giải quyết triệt để.

Năm học nào Bộ GDĐT, các Sở GDĐT cũng ra văn bản chỉ đạo chống lạm thu nhưng tình trạng này vẫn tái diễn từ năm này qua năm khác.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GDĐT rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp.

Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.

Rõ ràng, trách nhiệm chống “lạm thu” không phải chỉ riêng của ngành giáo dục mà các địa phương cũng giữ vai trò quan trọng. Cụ thể, dù phát hiện trường lạm thu nhưng thẩm quyền xử lý thuộc về địa phương.

Hơn nữa, một số khoản thu tự nguyện của Ban đại diện phụ huynh cũng xuất phát từ việc muốn đem đến cho con em mình điều kiện học tập tốt hơn nhưng cách làm kiểu thu bình quân khiến các phụ huynh khác phản đối như sự việc xảy ra tại lớp 1/7 thuộc Trường Tiểu học Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình, TP HCM. Phụ huynh lớp này đã quyên góp tiền sửa sang lại lớp học với tổng số tiền lên tới 100 triệu đồng.

Theo thông tin nhà trường cung cấp, lớp 1/7 có 35 học sinh. Để sửa sang phòng học, có phụ huynh góp nhiều, có phụ huynh góp ít, có phụ huynh không đóng góp. Việc này không liên quan gì đến nhà trường, trường cũng không nhận số tiền này.

Đại diện lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định dù các khoản đóng góp này trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, do Mạnh thường quân đóng góp thì cũng phải ghi vào danh mục tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là 100 triệu đồng để tu sửa lại một phòng học, cụ thể là sơn lại lớp, lót lại sàn nhà, mua sắm lại bàn ghế…trong bối cảnh nhiều phòng học khác trong trường cũng không còn mới mẻ có phải là sự lãng phí? Phải chăng Ban đại diện cha mẹ học sinh đang “ôm đồm” hết công việc của nhà trường?

Được biết, quận Tân Bình cũng đã có kế hoạch sửa lại trường từ năm học 2019-2020. Nếu như có sự phối hợp của nhà trường, của chính quyền địa phương trong việc cùng tu sửa lại những phòng học cũ kỹ của Trường Lê Văn Sỹ, không chỉ riêng phòng học của lớp 1/7 thì chắc chắn không chỉ riêng phụ huynh lớp 1/7 mà nhiều phụ huynh khác cũng tự nguyện đóng góp, miễn là mọi hoạt động thu chi đều công khai minh bạch và phục vụ thiết thực cho việc học tập của con em họ.

Nhất là trong bối cảnh nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại các cơ sở giáo dục do phòng học cũ kỹ, xuống cấp thì rất cần sự chung tay của các mạnh thường quân trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Xã hội hóa trong giáo dục là việc đã được nhiều nước thực hiện từ lâu và cũng có nhiều ưu điểm rõ ràng. Vấn đề là xã hội hóa nên được thực hiện thế nào để tránh mất cân bằng trong giáo dục, cụ thể như trong câu chuyện ở trên là mất cân bằng giữa các lớp học và mất cân bằng giữa các học sinh với nhau?

Xã hội hóa thế nào để không gây bức xúc trong tâm lý phụ huynh có lẽ không thể chỉ trông chờ vào sự hiểu biết của từng Ban đại diện cha mẹ học sinh mà cần sự vào cuộc của cả ngành giáo dục và các địa phương trong việc tuyên truyền và cả thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không phải chỉ là “giơ cao đánh khẽ” để rồi câu chuyện lạm thu vẫn mãi không có hồi kết từ năm học này qua năm học khác.

Thu Hương