Thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam

Hoàng Minh 21/09/2017 18:00

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc giữa các bên liên quan xung quanh những “lùm xùm” tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Hãng Phim truyện Việt Nam.

Chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã diễn ra buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, đại diện các nghệ sĩ đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, nhà đầu tư chiến lược Tổng Công ty Vận tải thủy… Sau hơn 4 tiếng làm việc lắng nghe các bên liên quan trình bày về sự việc, Phó Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra lại quá trình cổ phần hóa.

Trước đó, sáng 21/9, tập thể nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam họp với Hội Điện ảnh về tình hình hãng phim sau cổ phần hóa. Ngoài việc bày tỏ các bức xúc về chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm nghề, các nghệ sĩ còn nêu ra sự thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa.

Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam tuyên bố hội sẽ đấu tranh để yêu cầu tạm dừng cổ phần hóa, lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình. Bà cho biết Hội Điện ảnh sẽ báo cáo vấn đề này với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bên cạnh đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ, sau khi tham khảo một nhóm luật sư, tập thể nghệ sĩ có cơ sở để khẳng định quá trình cổ phần hóa có nhiều sai phạm.

Đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn thậm chí cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm những người có liên quan.

Ông Thanh Vân chia sẻ hồi năm 2015, Giám đốc hãng phim Vương Tuấn Đức thành lập tổ giúp việc cho ban cổ phần hóa và gạt bỏ ông Lý Thái Dũng (Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Nguyễn Thanh Vân (Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật).

Thay vào đó, ông Đức đưa bà Hồ Lan, nhân viên phòng tổ chức - và một phó phòng tài vụ vào. Tổ giúp việc này - do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng - xác định giá trị thương hiệu và đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của hãng phim bằng không.

Cùng với đó, đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng cần đánh giá lại giá trị Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông Tuấn cho rằng, mảnh đất có giá 5.000 m2, thêm 7.000 m2 ở Cổ Loa (Hà Nội) mà định giá 19 tỷ là điều khó hiểu, còn không bằng một căn nhà của Vinhomes.

Đạo diễn này cũng khẳng định động cơ chính của Công ty Vivaso là chiếm đất, khiến các nghệ sĩ nản lòng bỏ hãng phim rồi sử dụng đất.

Theo tìm hiểu riêng của Quốc Tuấn, một số đơn vị khác được Vivaso mua lại cũng có tình trạng hoang vắng như hãng phim.

Trước thực tế này, nhiều nghệ sĩ không khỏi đắn đo khi "Ban cổ phần hóa của Bộ VH-TT&DL không hiểu sao đồng ý với kết quả này". Bởi theo ước tính giá trị đất đai của hãng vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu qua 400 bộ phim truyện qua gần 60 năm lịch sử.

Thậm chí, đạo diễn Thanh Vân đưa ra bằng chứng chỉ có ba bài báo với khổ chữ nhỏ đăng tải về thông tin này.

Ông Thanh Vân nghi ngờ đây là động thái khiến nhiều nhà đầu tư không biết tin, giúp Vivaso dễ dàng mua đất mà không gặp nhiều đối thủ cạnh tranh.

Trước đó, sáng 20/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi ông đi bộ một vòng xem cơ sở vật chất của hãng, các cán bộ, nhân viên mới nhận ra.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì một cuộc họp rút kinh nghiệm với ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam.

Hoàng Minh