Người Việt sang Nga phải lao động 'khổ sai' - Đâu là sự thật?

Theo TTXVN 21/09/2017 19:25

Sau khi nhận được thông tin được nhiều tờ báo trong nước đăng tải đơn "kêu cứu" của một số người tố cáo họ bị lừa đưa sang Nga làm việc và bị đối xử như những lao động "khổ sai," Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn đã thành lập đoàn công tác, do ông Vũ Hoàng Anh, Tham tán, Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, dẫn đầu đã xuống Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOM MODA để tìm hiểu rõ vụ việc.


Toàn cảnh xưởng làm việc của Công ty. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+).

Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOM MODA đóng tại địa chỉ nhà số 3, đường Industrial, thành phố Dmitrov, tỉnh Moskva - nơi theo đơn tố cáo đang có hàng chục người đang bị bóc lột thậm tệ.

Trụ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOM MODA là một ngôi nhà hai tầng rộng khoảng 2.000m2, nằm trong khuôn viên gần 10.000m2, nằm ngay cạnh một con đường khá rộng với lưu lượng xe qua lại nhộn nhịp.

Khuôn viên công ty được bao bọc bằng một bức tường cao khoảng 2m, phía trước tòa nhà dùng làm nơi đỗ xe, phía sau được thiết làm sân vận động luyện tập thể thao. Tầng một của tòa nhà được dùng làm khu sản xuất và kho để hàng, còn tầng hai là nơi ăn, ở của công nhân và văn phòng làm việc của công ty.


Một góc công ty nhìn từ phía ngoài. (Dương Trí/Vietnam+).

Khu sản xuất có khoảng gần 20 công nhân đang làm việc. Các máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất tương đối hiện đại. Hoạt động sản xuất được thiết kế theo quy trình, mỗi công nhân chỉ thực hiện một công đoạn của sản phẩm chứ không phải một người tự hoàn thiện sản phẩm từ A đến Z như một số tờ báo đưa tin.

Đoàn công tác yêu cầu đại diện công ty, ông Nguyễn Việt Tuấn, xuất trình các giấy tờ để kiểm tra. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đoàn công tác kết luận xưởng may của ông Nguyễn Việt Tuấn là "xưởng trắng" (có đầy đủ giấy tờ hợp pháp do các cơ quan chức năng Liên bang Nga cấp).

Đoàn công tác đã yêu cầu tất cả các công nhân ngừng làm việc để đối chất với ông Nguyễn Việt Tuấn. Tại cuộc đối chất, phần lớn công nhân giữ thái độ im lặng hoặc ủng hộ chủ xưởng, nhưng có vài người tỏ ý đồng tình với ý kiến tố cáo của anh Trần Văn Châu (sinh năm 1988, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Anh Trần Văn Châu cho rằng mình bị lừa sang Nga làm việc bằng con đường du lịch, phải làm việc quá căng thẳng, ăn uống lại kham khổ, trong khi đồng lương quá thấp so với con số người môi giới ở Việt Nam đưa ra, bị thu hộ chiếu và bị "giam cầm" không cho ra ngoài...

Giải đáp những vấn đề này, ông Nguyễn Việt Tuấn khẳng định, tất cả mọi người sang làm việc tại xưởng may của ông, trong đó có Trần Văn Châu, đều đi theo diện visa lao động.

Khi lao động sang phía Nga chỉ cấp visa 3 tháng. Sau khi sang đến nơi công ty sẽ tiến hành làm các thủ tục cần thiết để các cơ quan chức năng Nga cấp quyền lao động 1 năm và sau đó tiếp tục gia hạn từng năm, cho đến khi hết giấy phép lao động (thông thường giấy phép lao động có thời hạn 3 năm).

Để chứng minh, ông Nguyễn Việt Tuấn đưa đầy đủ các giấy tờ liên quan đến lao động Trần Văn Châu cho đoàn kiểm tra xem.

Ông Nguyễn Việt Tuấn cho biết thêm khi lao động sang làm việc sẽ phải ký 2 bản hợp động làm việc bằng tiếng Việt và tiếng Nga. 2 bản hợp đồng này có nội dung như nhau, trong đó quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên.

Việc Công ty chi trả tiền lương ở Việt Nam thay vì tại đây, ông Tuấn cho hay là nhằm giúp lao động giữ được tiền bởi nếu phát lương ở Nga, không phải lao động nào cũng biết cách chuyển tiền về, đó là chưa kể chuyển tiền sẽ mất thêm phí, chưa tính đến chênh lệch tỷ giá. Đặc biệt, có nhiều trường hợp khi có tiền, công nhân sẽ rất dễ rơi vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè...

Về thời gian làm việc, theo ông Nguyễn Việt Tuấn, Công ty quy định giờ làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, nghỉ ăn trưa khoảng hơn 30 phút. Nếu ai muốn làm thêm thì phải gọi điện xin phép lãnh đạo công ty. Trong thời gian làm việc, ai mệt có thể nghỉ. Nếu ai ốm đau được công ty cử người đưa đi bệnh viện khám và điều trị.

Lao động nào muốn ra ngoài, công ty cho lái xe chở đi chứ không để tự đi vì họ không biết tiếng Nga nên khả năng bị lạc và gặp rắc rối là rất cao.

Đề cập đến việc công ty giữ hộ chiếu của lao động, ông Nguyễn Việt Tuấn cho biết theo luật pháp Nga, nếu lao động bỏ trốn sang làm việc cho công ty khác, khi cơ quan chức năng Nga phát hiện thì công ty quản lý lao động bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, nếu công nhân có việc chính đáng cần đi đâu đó, công ty sẵn sàng trao trả hộ chiếu.

Đối với trường hợp anh Trần Văn Châu, ông Nguyễn Việt Tuấn nhận xét anh Châu là người vô kỷ luật, thích thì làm không thích thì nghỉ. Vì anh Châu mới sang, tay nghề chưa có (anh Châu cũng thừa nhận trước đây ở Việt Nam anh làm nghề đóng giày), không chịu học hỏi, làm việc thì đương nhiên là thu nhập thấp.


Visa của lao động Trần Văn Châu là visa du lịch. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+).

Về nội dung tố cáo của anh Châu rằng công ty "ép" làm 20 chiếc áo mỗi ngày mới đủ định mức, ông Tuấn giải thích: "Định mức là 20 chiếc áo gile và may theo từng công đoạn, chứ không phải là giao cho một công nhân thực hiện từ công đoạn cắt cho đến thành phẩm 20 chiếc áo gile/ngày."

Ông Tuấn cũng cho hay, định mức sản phẩm được tính toán dựa trên mặt bằng chung các công ty may ở Nga.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOM MODA cho biết công ty chỉ tuyển những người có tay nghề may, có sức khỏe. Lỗi ở đây là do phía môi giới ở Việt Nam không nói rõ cho lao động biết về yêu cầu công ty mà chỉ tô vẽ mảng "màu hồng" nên khi họ sang đây mới bị sốc.

Để đưa 1 lao động từ Việt Nam sang Nga, công ty chi phí 1.900 USD, nếu ai muốn về thì phải hoàn trả chi phí đó cho công ty. Còn nếu muốn ở lại làm việc, công ty sẽ hỗ trợ đào tạo tay nghề.

"Khi có tay nghề và làm việc chăm chỉ, tôi bảo đảm mức thu nhập trung bình 600 USD/tháng/người là hoàn toàn có thể," ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Việt Tuấn đã trích xuất hình ảnh từ camera ghi lại hoạt động sản xuất hàng ngày của công nhân theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Những hình ảnh cho thấy lao động Trần Văn Châu thường xuyên đi muộn về sớm và cũng không thấy hiện tượng có người thúc ép lao động làm việc quá sức như đơn tố cáo.


Phòng ở của công nhân. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+).

Về bữa ăn của công nhân, chị Nguyễn Thị Toàn, quê Hà Nội, đầu bếp Công ty cho biết, mỗi giờ ăn thường có 3 món và được nấu theo yêu cầu của công nhân. Cuối tháng, hết bao nhiêu tiền chủ hỗ trợ một phần, số còn lại chia theo đầu người. Trước đó, lao động Châu tố cáo các bữa ăn của công ty không no và thiếu dinh dưỡng.

Đoàn công tác đã trao đổi với một số công nhân để tìm hiểu đời sống của họ. Hầu hết các lao động cho hay thời gian đầu họ đều phải học nghề, khi đã có tay nghề cao, năng suất lao động tăng thì thu nhập cũng tăng lên, có người đã gửi được 7.000 USD về cho người thân.

Có một thực tế cần lưu ý, có nhiều nhà môi giới xuất khẩu lao động tại Việt Nam đã không thông tin đầy đủ cho người lao động biết những yêu cầu cụ thể của công ty, thay vào đó, họ tô vẽ cuộc sống và công việc ở Nga như một "thiên đường" và cứ sang đến nơi là "đổi đời".

Thiết nghĩ, để tránh trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra, cũng như bảo đảm lợi ích hợp pháp của công nhân và doanh nghiệp, Hội Dệt May Việt Nam tại Liên bang Nga cần phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga hàng năm công bố rộng rãi danh sách các thành viên cần tuyển dụng lao động.

Căn cứ vào đó, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với công ty cần tuyển dụng mà không phải thông qua lực lượng môi giới ở Việt Nam.

Theo TTXVN