Thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Từ Khôi - Hoàng Minh 22/09/2017 08:35

Thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cuối giờ chiều 21/9, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Hội Điện ảnh Việt Nam, Công ty CP đầu tư phát triển điện ảnh… Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các nghệ sĩ, công chúng yêu điện ảnh có quyền hy vọng những bất cập, “mờ ám” trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được giải quyết dứt điểm.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), chiều 21/9. (Ảnh: VGP/Đình Nam).

Những kiến nghị bức xúc

Tại Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đều có chung ý kiến cho rằng cần thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Thay mặt Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Đặng Xuân Hải khẳng định, sau khi tiếp nhận đơn thư của nhiều nghệ sĩ phản ánh sai phạm của cổ phần hóa, Hội Điện ảnh đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

Hội Điện ảnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra độc lập, liên ngành xem xét một cách khách quan toàn bộ tiến trình cổ phần hóa VFS vì một số lý do như: Trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá tài sản đã không tổ chức đấu thầu như quy định; đã xảy ra sai sót nghiêm trọng trong việc định giá thương hiệu VFS = 0; nhà đầu tư chiến lược thiếu minh bạch khi phủ nhận quyền tài sản đối với khoảng 400 phim truyện nhưng lại chủ động khai thác triệt để thương mại các tác phẩm này; tiến hành đại hội cổ đông mà không công khai giá trị tài sản của VFS; việc thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa VFS thiếu đại diện Cục Điện ảnh – cơ quan quản lý của Nhà nước về điện ảnh; thiếu 2 Phó Giám đốc VFS; Kiến nghị Thủ tướng cho kiểm tra cách định giá giá trị VFS tránh thất thoát tài sản nhà nước…

Bất thường... nhà đầu tư chiến lược

Trong khi đó, tại Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời báo chí: “Theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thì có thể chọn từ 1 đến 3 nhà đầu tư chiến lược, trên cơ sở tiêu chí đã được bộ VHTTDL phê duyệt. Sau khi đăng công bố thông tin rộng rãi thì chỉ có một nhà đầu tư chiến lược quan tâm”.

Về việc đăng thông tin rộng rãi tìm nhà đầu tư chiến lược, tại Hội Điện ảnh, NSND Nguyễn Thanh Vân đã nói: “Ngày 13/1/2016, Bộ VHTT&DL ra công bố việc tìm nhà cổ đông chiến lược trên phương tiện thông tin đại chúng, thì ngày 16 đến ngày 18/1/2016, Ban cổ phần hóa và tổ giúp việc đã cho đăng 3 kỳ trên báo Kinh tế & Đô thị với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi. Và đó là tờ báo duy nhất đăng tin.

Ngày 26/1/2016, Ban cổ phần hóa Bộ VHTT&DL tuyên bố hết thời hạn. Vậy là chỉ có hơn 10 ngày cho việc đăng ký đấu thầu làm Nhà cổ đông chiến lược VFS. Nhưng xin lưu ý thêm: Ngày 28/1/2016 là ngày cuối cùng làm việc của công chức, viên chức để sau đó nghỉ Tết âm lịch 2016. Trong khi đó, khoảng một năm trước đã có sự hiện diện của Tổng công ty vận tải thủy với hồ sơ đăng ký là Nhà cổ đông chiến lược, dày lên tới hàng chục kg giấy. Đó chính là sự dối trá trắng trợn”.


Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Chưa xác định được giá trị doanh nghiệp

Về lý do VFS cổ phần hóa trước khi xác định giá trị thương hiệu VFS, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: “Năm 2013 Chính phủ quyết định cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp xong trong năm 2015, tức là các đơn vị của Bộ phải thực hiện đúng và xong trong năm 2015. Chúng tôi thấy rằng đơn vị nào dễ thì làm trước còn hãng phim quá khó khăn chúng tôi sẽ làm sau. Nhưng rất nhiều công văn của Ban đổi mới doanh nghiệp của Trung ương đề nghị phải làm tốt cái này, chúng tôi mới tiến hành đổi mới từ năm 2014. Dự định là 2015 xong nhưng nhưng kéo dài tới 23/6 mới đại hội cổ đông lần đầu tiên”.

Tuy VFS đã được cổ phần hóa và Công ty CP đầu tư phát triển điện ảnh Việt Nam đã được thành lập nhưng giá trị thương hiệu chưa được tính đến để tăng phần vốn nhà nước. Giải quyết tồn đọng này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận: “Mặc dù Công ty CP đã ký với Sở Kế hoạch và đầu tư nhưng chưa xác định được giá trị doanh nghiệp lần 2. Khi hoạt động, khi chưa chính thức chuyển sang cổ phần lần 2 thì chưa có giá trị, chỉ khi nào xác định được giá trị doanh nghiệp lần 2 mới chính thức được cổ phần.

Theo luật thì khoảng 1 năm, từ 23/6 năm nay tới tháng 6 năm tới là được. Trong quá trình cổ phần còn nhiều điều chưa được hoàn tất, chưa được đưa vào, một thời gian ngắn không thể đưa vào hết, còn phải xem xét triển khai… phải đầy đủ hồ sơ mới đưa vào xác định giá trị lần 2, được Bộ xem xét cổ phần hóa, từ đó chính thức trở thành công ty cổ phần hóa”.

Thủ tướng đề nghị tính giá trị thương hiệu

Về phương án xác định giá trị thương hiệu VFS, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói: “Trong quá trình xác định lợi thế kinh doanh, thì đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện đúng theo Nghị định 59 và Thông tư 127 của Bộ Tài chính. Xác định thương hiệu gồm có tiền chi phí quảng cáo, đào tạo, tiếp thị… và vẫn tính cái đó với tiêu chí lãi không lỗ trong 5 năm gần đây. Sau đó Thủ tướng đề nghị tính thêm giá trị thương hiệu liên quan đến lịch sử truyền thống bởi vì chúng ta là hãng phim có lịch sử nên chúng tôi mới gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học & Công nghệ là cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu trí tuệ, gửi công văn Bộ Tài chính xem xét. Nhưng đến nay, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học & Công nghệ chưa có văn bản nào tính giá trị liên quan đến văn hóa lịch sử truyền thống”.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng luôn cho rằng cổ đông chiến lược sẽ phải thực hiện các cam kết đã ký với Bộ về việc trả lương, làm phim, không sử dụng quỹ đất vào việc khác. Và có giám sát của 2 cán bộ đại diện. Ông Ái nói: “Nếu công ty sử dụng đất sai cam kết thì sẽ có kiến nghị lên Bộ dừng ngay việc đó. Nếu không dừng đề nghị UBND TP Hà Nội thu hồi giấy phép thi công hoặc thu hồi đất. Cao hơn nữa là đề nghị đưa ra tòa để giải quyết vụ việc này”.

Nghệ sĩ kêu cổ phần hóa đẫm nước mắt

Còn tại Hội Điện ảnh, nhiều nguyên lãnh đạo VFS và nghệ sĩ nổi tiếng đều đánh giá thấp cổ đông chiến lược. Nhà văn Chu Lai- thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội Điện ảnh cất giọng chứa chan: “Tôi từng là lính đặc công, mỗi khi ra trận lại nhớ tới những khuôn mặt diễn viên điện ảnh thời đó. Những cuộc chiến tranh sẽ qua đi, văn hóa còn lại. Tôi không muốn so sánh giữa nhà kinh doanh và nhà văn hóa, nhưng chính sự đặt không đúng sẽ phá hoại rất ghê gớm. Qua cách nói của ông Nguyễn Thủy Nguyên- chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy, tôi thấy tư duy của ông như một nồi lẩu. Ông Nguyên đem một giá trị kinh tế thực dụng áp dụng lên một giá trị tinh thần. Tôi khẳng định Công ty vận tải thủy không đủ tư cách làm chủ VFS. Hy vọng Bộ VHTTDL giật mình tỉnh ngủ cho thôi ngay một ông không hiểu gì về nghệ thuật lên lãnh đạo điện ảnh. Đừng để số 4 Thụy Khuê thành chợ giời”. Ông Nguyễn Kim Cương- nguyên Giám đốc VFS thổn thức: “Nếu như có phép màu nào đó, những nghệ sĩ như Phạm Văn Khoa, Hải Ninh, Bạch Diệp… sống lại, họ sẽ đến hỏi lãnh đạo Bộ VHTT&DL chúng tôi là ai? Có giá trị gì không?”.

Trong khán phòng Hội Điện ảnh, NSƯT diễn viên đạo diễn Quốc Tuấn nghẹn ngào: Chúng tôi muốn cổ phần hóa, nhưng không ngờ cổ phần hóa VFS lại đẫm nước mắt, đẫm sự dối trá và lén lút. Tôi mong Chính phủ xem xét lại việc cổ phần hóa này.

Từ Khôi - Hoàng Minh