Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chưa sẵn sàng, khó triển khai
Sau gần 2 tháng Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có nhiều ý kiến đề xuất lùi thời điểm áp dụng chương trình do chưa chuẩn bị kịp về điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất.
Ảnh minh họa.
Chưa sẵn sàng
Theo như nội dung đã được công bố thì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hướng đến hình thành 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi của học sinh (dự thảo cũ là 6 phẩm chất, 10 năng lực). Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải mạnh các tiết học cho học sinh. GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên Chương trình cho hay, sự thay đổi chủ yếu tập trung vào một số chi tiết của kế hoạch giáo dục cho phù hợp hơn với thực tế. Những nội dung cơ bản về mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình vẫn được giữ nguyên. Trong tháng 8 vừa qua, ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về chương trình từng môn học và hoạt động giáo dục, chỉnh sửa và sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi như đối với chương trình tổng thể. Sau đó sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện chương trình để các Hội đồng thẩm định môn học và hoạt động giáo dục xem xét.
Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị Bộ nên xin lùi thời hạn 1 năm. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc lùi thời hạn cũng tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác có đủ thời gian biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo một cuộc “thi đua” công bằng, góp phần nâng cao chất lượng SGK. Nếu bây giờ làm gấp thì chỉ có bộ SGK.
Bà Ngô Thị Minh- phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ngành giáo dục nên tiến hành bài bản, không nên vừa làm vừa sửa sai. Theo bà Minh, Bộ GD&ĐT không thể triển khai kịp chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018 - 2019. Vì ngoài trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa (SGK), cần có thời gian thỏa đáng thì việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị đang còn nhiều bất cập, kể cả việc quy hoạch mạng lưới trường lớp sao cho có sĩ số học sinh phù hợp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới… Lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có thể phải lùi 1 năm hoặc 2 năm, tùy thuộc vào sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ với sự tham mưu tích cực của Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cùng một số bộ ngành liên quan.
Trước đó, khi góp ý cho dự thảo chương trình, GS VS Đào Trọng Thi- nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phân tích, dù chương trình giáo dục phổ thông được biên soạn đạt được những yêu cầu đặt ra thì nó mới chỉ là chương trình SGK. Còn điều quan trọng nhất phải là người dạy- yếu tố quyết định tính thành công của chương trình, bên cạnh các điều kiện khác như trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Và khó khăn hơn nữa là hàng triệu giáo viên bây giờ phải đào tạo lại họ như thế nào để họ giảng dạy được các môn học tích hợp. Sự chuẩn bị này đòi hỏi ngành giáo dục phải đầu tư rất lớn cả về thời gian lẫn công sức.
Hiểu đúng về hướng nghiệp, phân luồng
Ngoài việc giảm thời lượng các môn học, chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhấn mạnh đến tính chất hướng nghiệp ở bậc THCS. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc giảm giờ học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là để phù hợp với thực tế của các trường hiện nay.
Phân tích về giáo dục hướng nghiệp ở trường THCS hiện không đạt được yêu cầu như mong muốn, ông Thuyết cho rằng, giáo dục hướng nghiệp hiện nay thực hiện theo Nghị quyết 126CP của Hội đồng Chính phủ năm 1981 và có 4 hình thức hướng nghiệp. Bao gồm: dạy hướng nghiệp qua các môn văn hóa; dạy học hướng nghiệp qua dạy nghề phổ thông; qua các hoạt động hướng nghiệp hay sinh hoạt hướng nghiệp; dạy hướng nghiệp qua hoạt động tham quan, tham gia lao động sản xuất. Trong đó, 2 hình thức là sinh hoạt hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông không thành công, vì sinh hoạt hướng nghiệp không có giáo viên chuyên trách mà thường giao cho giáo viên chủ nhiệm; trong khi đó giáo viên chủ nhiệm không đủ khả năng dạy vì giáo dục hướng nghiệp rất phong phú ngành nghề.
Tương tự, dạy nghề trong trường phổ thông không có đủ người dạy và trang thiết bị để làm việc này. Các nghề cũng không phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên trong chương trình giáo dục mới, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông không thay thế giáo dục nghề nghiệp, không làm thay chức năng của giáo dục nghề nghiệp mà chỉ giúp học sinh xác định hướng phát triển của mình sau THCS, hoặc tham gia lao động sản xuất, tham gia học nghề hoặc tiếp tục học lên THPT để vào ĐH, CĐ.
Tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2017 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT và UNESCO vừa tổ chức, việc nhận thức đúng về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng giáo dục cũng đã được đánh giá. Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Phân luồng sớm giáo dục phổ thông không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai mà còn ảnh hưởng tới bình đẳng trong giáo dục, đẩy trẻ em nghèo ra khỏi ngành giáo dục sớm hơn. Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan- Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã lý giải, phân luồng học sinh là vấn đề chủ trương rất quan trọng, không chỉ với mỗi cá nhân mà đối với sự phát triển nhất định của quốc gia.
Việc phân luồng tạo ra cơ hội cho từng người phát huy được năng lực, sở trường đối với hoàn cảnh cụ thể của mình, còn đối với quốc gia thì chính sách phân luồng giúp điều chỉnh cơ cấu nhân lực quốc gia trong từng thời kỳ đáp ứng được sự phát triển của kinh tế xã hội. Phân luồng học sinh có 2 loại, phân luồng học sinh sau THCS và phân luồng sau THPT.
Ở Việt Nam phổ cập THCS nên học sinh học xong cấp THCS là có 4 luồng có thể vào học, đó là học tiếp THPT, học giáo dục thường xuyên, học nghề và vào lao động trong thị trường lao động. Việc phân luồng này có nhiều người hiểu nhầm rằng đã gạt bỏ những người học yếu, có hoàn cảnh khó khăn đi ra cuộc sống làm việc sớm. Ngược lại, khi năng lực, điều kiện của họ phát triển như vậy thì chính phân luồng lại tạo ra cơ hội rất thuận lợi để cho họ rẽ ngang.
Bà Loan cũng cho rằng: Hệ thống giáo dục rất linh hoạt, có nhiều con đường mở ra để tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Và cũng chính việc phân luồng này tạo cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, tạo nên tính công bằng. Phân luồng cũng làm cho nhà trường gắn kết được với các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, giúp mục tiêu giáo dục toàn diện được nâng cao.