Thoát nghèo từ cách nghĩ, cách làm

Đình Lê 24/09/2017 09:05

Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hiện có 8 xã, 74 thôn, bản, trong đó hầu hết thuộc diện khó khăn. Nhằm khuyến khích các hộ nghèo phát triển kinh tế, từ các nguồn vốn hỗ trợ huyện đã giúp bà con sản xuất theo hướng tập trung gắn với những sản phẩm đặc sản của địa phương như nuôi vịt thả suối, trâu sinh sản, lợn đen, rau bò khai để tạo ra hàng hóa… bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã giúp người dân ở Lâm Bình thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Lăng Can, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, năm 2016 xã đã đầu tư trên 242,7 triệu đồng mua giống vật nuôi, mở 2 lớp tập huấn cho 42 hộ chăn nuôi. Năm 2017, xã đã xây dựng dự án trồng rau bò khai ở 2 thôn Nặp Đíp, Nặp Trá với hơn 60 hộ tham gia trồng theo hướng hàng hóa. Được hỗ trợ vốn cùng với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, người dân rất phấn khởi với những mô hình phát triển kinh tế mới. Lợi thế của cây bò khai là dễ trồng, trồng bằng biện pháp giâm cành, ít sâu bệnh, chỉ 1 năm là có thể thu hoạch được. Trung bình một gia đình có hơn 200 gốc bò khai sẽ cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Một khoản thu nhập khá đối với người dân vùng cao còn nhiều khó khăn như Nặp Đíp, Nặp Trá.

Thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập nằm cách xa trung tâm huyện khoảng 30 km, đường giao thông đi lại khó khăn nên chưa có điện lưới quốc gia. Đồng bào sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông sống rải rác trên các chiền núi cao, cuộc sống khó khăn nên bà con vẫn còn tư tưởng du cư, du canh, nay đây mai đó, trẻ em không được đến trường. Để giúp đỡ bà con thôn Khuổi Củng sớm ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo, huyện đã triển khai Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Để sớm di chuyển 33 hộ dân sống rải rác trên núi về sinh sống tập trung, huyện Lâm Bình đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND xã tiến hành quy hoạch các điểm định cư xen ghép tập trung, an toàn, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Cùng với đó, huyện Lâm Bình đã triển hai lồng ghép với các nguồn vốn khác như: nguồn vốn 135, nguồn vốn 293 để hỗ trợ nhân dân thi công san lấp mặt bằng tại các khu định cư và xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông, nước sinh hoạt, nâng cấp hệ thống thủy lợi cấp nước sản xuất cho nhân dân... với tổng nguồn vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng.

Mỗi hộ gia đình thuộc diện di dân định canh, định cư xen ghép được hỗ trợ là 17 triệu đồng/hộ, trong đó hỗ trợ di chuyển nhà là 1triệu đồng, san nền 1triệu đồng, hỗ trợ lương thực 6 tháng đầu để gia đình ổn định cuộc sống là 15 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước thì trong quá trình di chuyển nhà đến nơi ở mới, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lập đã chỉ đạo Chi bộ thôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn bản vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giúp đỡ về ngày công lao động và vật chất. Nhờ đó, sau một thời gian sắp xếp các hộ gia đình thuộc diện di dân định canh, định cư đều rất phấn khởi vì nơi ở mới có đầy đủ điện, nước, có đất sản xuất và đặc biệt rất thuận lợi cho việc làm nương rẫy, vận chuyển lúa, ngô về nhà, bọn trẻ cũng đến trường dễ dàng hơn.

Chương trình giảm nghèo ở Lâm Bình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở nên đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, bộ mặt nông thôn miền núi đang khởi sắc. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện Lâm Bình đã có 410 hộ nghèo được vay vốn, với tổng số tiền lên tới hơn 15 tỷ đồng; công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người nghèo được quan tâm, toàn huyện đã có 717 người được bố trí việc làm mới; trên 3.000 học sinh là con em đồng bào nghèo được hỗ trợ, miễn giảm học phí, với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng; 15.000 ngươi nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế; 6 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, với tổng số tiền là 120 triệu đồng. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực…

Có thể nói các chương trình và chính sách giảm nghèo tại Lâm Bình thời gian qua đã huy động được sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội, tạo nguồn lực góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo trên địa bàn nhanh và bền vững, phấn đấu đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020.

Để giúp các hộ gia đình trên địa bàn huyện sớm được tiếp cận nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, huyện Lâm Bình đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay vốn mua trâu về nuôi. Do vậy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay trên địa bàn huyện đã có 503 hộ gia đình được vay trên 24 tỷ 8 trăm triệu đồng, mua 836 con trâu sinh sản, 92 con trâu đực giống và có 5 hộ gia đình được hỗ trợ nuôi cá lồng. Số trâu đã sinh sản tính đến thời điểm hiện nay là 226 con.

Đình Lê