Tiếng trống của người Ma Coong
Đập trống là tập tục riêng có của người Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Nhờ tập tục được truyền từ đời này sang đời khác mà người Ma Coong - một trong những dân tộc duy nhất cư trú tại khu phía Tây của tỉnh Quảng Bình này đã đến với nhau, có niềm tin và để cho thôn bản đầy ắp tiếng cười, duy trì nòi giống, xóm thôn.
Đập trống - lễ hội riêng có của người Ma Coong.
Theo ông Đinh Xon - người được dân tộc Ma Coong ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) chọn làm chủ tế và lo toan cho lễ hội đập trống của người Ma Coong, để có chiếc trống, vật phẩm cần nhất cho lễ hội, cho ngày vui của người Ma Coong cũng như nhiều dân tộc khác tìm đến thì công việc làm trống quả không đơn giản. Một năm mới có một lần, nhận giữ trọng trách này trong năm, cứ ngơi nghỉ lúc nào là ông lại phải nghĩ đến việc mà mình đang phải gánh vác.
Ông Đinh Xon cho biết, nghe cái từ đập trống ai cũng tưởng đơn giản, ấy thế mà có tham gia, có tìm hiểu phong tục mới biết nó thật không đơn giản tý nào. Để tham gia lễ hội, mỗi người dân chỉ được lựa chọn cho mình một “chiếc gậy”, nó chỉ nhỉnh hơn chiếc roi một tý. Vào lễ, thanh niên, nam nữ chưa có gia đình là người được dân làng ưu tiên nhất. Họ xếp thành hàng tròn quanh trống, cùng nhau dùng một tuần rượu, sau lời cúng tế của người “cầm cái”, họ cùng nhau tiến tới chiếc trống, reo hò, vung roi để vụt. Cứ một lượt như vậy, mệt, lại ra nghỉ, lượt thanh niên, nam nữ khác lại tiến vào.
Ông Đinh Xon cho biết, để cuộc vui cho cả năm lam lũ của dân làng được kéo dài thì trống càng lâu thủng, lâu nứt, lâu vỡ thì càng tốt. Vậy nên, để có chiêc trống bền, khi đảm nhận trọng trách làm trống thì ai cũng dồn tâm, dồn sức để làm cho dân làng một cái trống tốt nhất. Để trai gái mặc sức vụt đập, mặt trống và tang trống vẫn căng ra, dẻo dai, bền chịu cho thanh niên nam nữ có thời gian “say nhau”, người già có thời gian tấc lòng chuyện trò.
Theo kinh nghiệm, để làm trống được bền, người ta thường chọn da của những con bò to khỏe, suốt ngày chỉ biết ăn cỏ gianh trên những đồi bãi đất cằn và “tuổi” của nó cũng phải được từ 12 trở lên. Bò được mổ, da được những người khéo tay lựa lọc sao cho không thủng. Sau đó chiếc da bò này được ngâm xuống dòng A Ki quanh năm đem nước tưới tắm bản làng, rồi phơi sương, phơi nắng sao cho vàng ươm quánh dẻo.
Tang để làm trống phải là loại cây bộp lưu niên, ra hoa vào mỗi mùa Xuân. Sau khi da, tang trống được hoàn thành thì việc căng da trống cũng phải huy động hầu hết các thanh niên trai tráng ra đảm trách. Mỗi người phụ lấy một việc, sao cho sau sự đóng góp này, người dân sẽ có một chiếc trống hoàn hảo nhất để phục vụ cho lễ hội của mình.
Theo ông Đinh Xon, khởi thủy của lễ hội đặc biệt này bắt đầu từ truyền thuyết. Rằng, ngày xưa, người Ma Coong sống ở nơi âm u. Ngày ấy, nơi đây có một bầy khỉ thần xuất hiện. Chúng không chăm chỉ như con người nhưng chúng lại sống sung sướng hơn con người vì chúng có chiếc trống thần. Cứ chờ người Ma Coong trồng ngô, lúa vào lúc thu hoạch thì chúng lại mang trống thần ra gõ. Ngô, lúa của người Ma Coong bị tiếng trống thần mê hoặc, cứ nô nức “theo nhau” về hang để phục vụ cho lũ khỉ.
Bực quá, để giữ gìn thành quả lao động, cho dân làng đỡ đói khổ nên người Ma Coong đã cùng nhau tìm vào hang cướp trống. Sau rất nhiều lần tổ chức đi và lấy trống thì đúng vào hôm trăng tròn nhất của tháng Giêng họ đã lấy được trống về. Cây gậy để khiêng trống cắm xuống, giờ đã thành cây gạo cổ thụ giữa bản và là điểm cho lễ hội ngày nay diễn ra.