Triều Tiên dọa thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương

Khánh Duy 23/09/2017 10:00

Ngoại trưởng Triều Tiên trong ngày 22/9 đã cảnh báo rằng, chính quyền Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm thêm một vũ khí hạt nhân mạnh mẽ ở khu vực Thái Bình Dương, trong một phản ứng nhằm đáp trả những lời đe dọa về hành động quân sự mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra mới đây.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tại New York, Mỹ. (Nguồn: BusinessInsider).

Tuy nhiên, Ngoại trưởng của CHDCND Triều Tiên, Ri yong Ho, trong cuộc phỏng vấn tại thành phố New York, đã nói rằng quyết định cuối cùng là nằm ở lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Ri trước đó dự kiến có một bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào gnafy 22/9, nhưng sau đó lại hủy bỏ kế hoạch này.

"Điều này có thể ám chỉ một vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch mạnh nhất từng diễn ra ở Thái Bình Dương. Liên quan đến các biện pháp sẽ đưa ra, tôi thực sự không biết bởi quyết định là ở lãnh đạo Kim Jong-un" - ông Ri nói.

Bình luận của ông Ri được đưa ra chỉ ít lâu sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng Tổng thống Trump sẽ phải "trả giá" vì đã đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" đất nước Triều Tiên trong một bài phát biểu mà ông này đưa ra trong hôm 19/9 vừa qua. Trong một tuyên bố trực tiếp hiếm hoi, ông Kim nói rằng "sẽ quyết định các pháp đáp trả nghiêm túc, cứng rắn nhất trong lịch sử".

"Hiện tại tôi đã suy nghĩ rất kỹ về biện pháp đáp trả mà ông ta có thể đón nhận khi mà ông ta đã đưa ra những lời lẽ như vậy" - lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói trong bài phát biểu, ám chỉ tới phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụm từ "biện pháp đáp trả cứng rắn nhất trong lịch sử" có thể được xem như sự gia tăng mức độ nghiêm trọng bằng lời nói, ông Vipin Narang, Giáo sư Khoa học chính trị thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là chuyên gia về chính sách hạt nhân, nhận định.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng LHQ với tư cách Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nói rằng Mỹ đã sẵn sàng "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này bị buộc phải tự vệ và bảo vệ các đồng minh, một lời cảnh báo được xem là chưa từng có tiền lệ đối với một vị Tổng thống Mỹ khi đang phát biểu trước giới lãnh đạo và ngoại giao cấp cao nhất của thế giới.

Trong phản ứng trước bài phát biểu trên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng phát ngôn của ông Trump là một lời lăng mạ. "Tôi muốn khuyên ông Trump nên thận trọng trong việc lựa chọn lời ngôn từ và cân nhắc xem đang nói chuyện với ai khi có một bài phát biểu trước toàn thế giới", ông Kim nói trong một tuyên bố.

Nhiều nhà phân tích về Triều Tiên tin rằng đây là lần đầu tiên mà lãnh đạo Kim Jong-un tự mình xuất hiện để đưa ra một bài phát biểu như vậy.

"Đây là điều chưa từng có tiền lệ, đó là điều chúng tôi có thể nói tới giờ" - ông Narang nói - "Ông ấy rõ ràng đã bị công kích bởi bài phát biểu nọ, và điều khiến tôi lo ngại là hình thức đáp trả mà ông ấy nói là đang cân nhắc".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan nên tránh bị sa lầy vào “mộng du chiến tranh”. Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc liên tục thúc đẩy các bên nên kiềm chế.

Về phần mình, đại diện Nhà Trắng khi được hỏi về tuyên bố mà ông Kim Jong-un đưa ra, đã lựa chọn im lặng, sau khi thư ký phụ trách báo chí Sarah Sanders từ chối mọi câu hỏi của báo chí.

Đại diện phái đoàn của Triều Tiên trước đó lên kế hoạch sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào tối hôm thứ Sáu, nhưng sau đó kế hoạch này bị hủy bỏ.

Trong cùng ngày, Nhà Trắng đã tiếp tục đi một bước nữa trong cái mà họ gọi là chiến dịch "gây sức ép hòa bình" đối với chính quyền Bình Nhưỡng nhằm khiến nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, tìm cách mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và cả những bên làm ăn kinh doanh với đất nước này.

Dù Mỹ tin rằng phần lớn các mặt hàng nhập khẩu hiện nay của Triều Tiên đến từ nước láng giềng Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin vẫn nói rằng "hành động này nhằm vào tất cả mọi người" và các bước đi này "không trực tiếp nhằm vào Trung Quốc theo bất cứ cách nào".

Một sắc lệnh chỉ thị mà Tổng thống Trump đặt bút ký ngay trước giờ ăn trưa ngày 22/9 đã tăng quyền lực cho Bộ Tài chính nước này để áp đặt lệnh trừng phạt với mọi cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ tới Triều Tiên. Tổng thống Trump cho hay sắc lệnh này sẽ cho phép Mỹ phát hiện các ngành công nghiệp mới - bao gồm may mặc, đánh bắt cá và sản xuất - để cho vào danh sách cấm vận Triều Tiên trong tương lai nếu cần.

Khánh Duy