Thế giới ngày càng lo ngại về thông tin giả mạo trên Internet
Sự tràn lan của các thông tin giả mạo trên Internet ngày càng khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại. Một nghiên cứu mới công bố về tình trạng thông tin giả được hãng truyền thông Anh thực hiện cho thấy người dùng mạng trên thế giới ngày càng lo ngại về thông tin giả mạo.
Ảnh minh họa.
Kết quả thăm dò của hãng BBC World Service còn cho thấy nhiều người còn cảm thấy không hài lòng về các biện pháp kiểm soát thông tin giả của các chính phủ. Trong bản nghiên cứu được thực hiện trên 18 quốc gia, 79% số người tham gia nói rằng, họ lo ngại do không thể phân biệt thông tin thật, giả trên Internet.
Riêng ở 2 quốc gia, Trung Quốc và Anh, phần lớn người tham gia phỏng vấn đều thể hiện mong muốn chính phủ nước họ tăng kiểm duyệt đối với luồng thông tin trên Internet.
Được biết, BBC cũng từng thực hiện một nghiên cứu tương tự trong năm 2010. Vào thời điểm bấy giờ, chỉ có 15 quốc gia được lựa chọn để khảo sát ý kiến người dân. Kết quả là, 51% người được hỏi cho rằng chính quyền không nên kiểm duyệt thông tin trên Internet, trong khi con số trong nghiên cứu mới nhất là 59%.
Khi bàn về vấn đề thắt chặt quy định kiểm duyệt thông tin trên Internet, 67% người dân Trung Quốc ủng hộ ý tưởng này, trong khi ở Anh thì con số này là 53%. Các quốc gia nơi mà người dân cực lực phản đối việc kiểm duyệt Internet là Hy Lạp, với tỷ lệ phản đối lên tới 84%, và Nigeria, nơi 82% người tham gia khảo sát phản đối ý tưởng trên.
Nghiên cứu này đã thực hiện khảo sát trên 16.000 người lớn, và được thực hiện bởi phối hợp với hãng Globescan trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2017.
Những mối quan ngại về việc phân biệt thông tin thật, giả trên Internet hiện đang gia tăng đột biến, sau một năm mà thông tin giả mạo đã trở thành vấn đề khá phổ biến trong khi lại mang lại lợi nhuận cho những kẻ tung tin. Các câu chuyện thêu dệt, thông tin giả mạo được đăng tải trên Facebook trong năm 2016 được cho là đã thu về khoản tiền quảng cáo lớn cho những kẻ tạo ra chúng.
Người dân Brazil là những người tỏ ra quan ngại nhất về việc xác thực thông tin trên Internet, trong đó 92% người tham gia khảo sát nói rằng họ lo ngại về nguồn tin mà họ đọc được trên mạng. Ở một số các quốc gia đang phát triển khác, cũng có tỷ lệ người dân lo về thông tin giả mạo khá cao, như ở Indonesia (90%), Nigeria (88%) và Kenya (85%).
Trong khi đó, Đức là quốc gia duy nhất có sự cách biệt giữa những người lo ngại và phần còn lại khá nhỏ - 51% nói rằng họ không ngại về thông tin giả mạo. Hiện nay, trong bối cảnh đang có một cuộc bầu cử diễn ra, chính quyền Đức đã đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn thông tin giả mạo.
Chủ tịch của hãng Globescan, ông Doug Miller, nói rằng: "Các con số thống kê này cho thấy rằng kỷ nguyên của "thông tin giả mạo" có thể làm giảm sự đáng tin của thông tin trực tuyến. Đặc biệt là sau khi thế giới chứng kiến vụ bê bối tình báo mà Edward Snowden công khai năm 2013, khiến cho nhiều người cảm thấy dè dặt hơn khi đưa ra quan điểm trên Internet".
Kết quả khảo sát vừa qua cũng đã thể hiện rõ sự dè chừng của cư dân mạng khi thể hiện quan điểm trên Internet. Trong tổng số 15 quốc gia được khảo sát, 53% số người tham gia nói rằng họ cảm thấy không an toàn khi thể hiện quan điểm, trong khi con số này hồi năm 2010 chỉ là 49%.
Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa thái độ người dân ở các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Ở Nigeria, Peru và Trung Quốc, đa phần người dân nói rằng họ hoàn toàn tự tin khi thể hiện quan điểm trên Internet. Nhưng ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, người dân lại tỏ ra dè chừng hơn, trong khi người dân Pháp và Hy Lạp lại có xu hướng nói ra suy nghĩ của mình một cách tự do.
Trong lúc mà việc sử dụng Internet trên toàn cầu ngày càng tăng, thì cũng có thêm nhiều người quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan đến nó hơn. 53% số người được hỏi nói rằng họ muốn việc tiếp cận Internet trở thành một quyền căn bản của con người, đặc biệt là người dân ở Brazil, Hy Lạp và Ấn Độ.
Nghiên cứu trên cũng vạch ra một số điểm khác biệt giữa quan điểm của đàn ông và phụ nữ đối với Internet. Đàn ông thường có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn, với khoảng 78% người tham gia khảo sát cho hay họ trực tuyến trong vòng 6 tháng qua, trong khi tỷ lệ này ở nữ là 71%.
Phụ nữ cũng ít có hứng thú thể hiện quan điểm của họ trên Internet hơn đàn ông. Theo nghiên cứu, chỉ có 14% phụ nữ Pháp cảm thấy an toàn khi làm điều này, trong khi ở Anh là 36% và ở Mỹ là 35%. Phụ nữ Anh cũng quan ngại về thông tin gải mạo nhiều hơn so với đàn ông, và cũng muốn chính quyền kiểm duyệt thông tin trên Internet nhiều hơn.