Vụ ‘Tan hoan rừng phòng hộ’: Đề nghị Công an tỉnh vào cuộc tìm ra kẻ chủ mưu, xứ lý án điểm

T. Nhân – Ch. Đại 22/09/2017 18:53

Sáng ngày 22/9, chúng tôi theo chân ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trở lại những vùng rừng nguyên sinh bị tàn phá ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Một lần nữa lại chứng kiến những khu rừng phòng hộ bị triệt hạ để lấy gỗ và lấy đất trồng keo.


Những cây gỗ nguyên sinh to lớn đã bị triệt hạ trơ gốc giữa rừng.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết trên chuyến đi, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết: “Những ngày qua chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, kiểm tra vụ việc phá rừng ở xã Tiên lãnh, đồng thời cử các đoàn công tác của sở hỗ trợ để khẩn trương phối hợp các ngành chức năng huyện và UBND xã Tiên Lãnh điều tra, xử lý vụ vi phạm theo đúng quy định pháp luật”.

Gần một ngày vào hiện trường đi khắp nơi những chỗ phá rừng, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi ra khỏi rừng đã có cuộc họp tại UBND xã Tiên Lãnh nhằm thông tin nhanh về vụ việc phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh với các cơ quan chức năng và báo chí.

Ông Thanh đã yêu cầu chính quyền cấp từ xã đến huyện, Kiểm lâm, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan giải trình vụ việc, tại sao để xảy ra vụ việc phá rừng kéo dài nhiều năm, tại sao khởi tố nhiều vụ án mà không khởi tố được bị can, không xử lý kịp thời,... nguyên nhân do đâu và cần phải khắc phục như thế nào?

Tại đây, đa số ý kiến đều nêu những khó khăn của mình, như đại diện chính quyền xã, ngành Kiểm lâm cho rằng, diện tích quá lớn, lực lượng quá mỏng, những khó khăn về con người và cả kinh phí hoạt động, người dân ở gần rừng phòng hộ cần nhu cầu đất để sản xuất trồng rừng nguyên liệu, lấn chiếm phá rừng.

Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Công an tỉnh sẽ tăng cường điều tra, làm rõ vấn đề, xử lý nghiêm minh vụ việc”.


Rừng phòng hộ thượng nguồn Tiên Lãnh “cơ bản” đã bị xoá sạch.

Ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cũng thẳng thắn: “Chúng ta không đỗ lỗi cho bất kỳ ai, phải thấy cái sai, cái chưa được khi rừng bị tàn phá hằng năm mà chung tay phối hợp với các cơ quan chức năng tốt hơn nữa và có phương án thật tốt để bảo vệ cho bằng được rừng”.

Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Tiên Lãnh đã phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng lấy đất sản xuất, gây thiệt hại 124,821 ha rừng tự nhiên, rừng nghèo (gồm 87,913 ha rừng phòng hộ, 36,908 ha rừng sản xuất).

Tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có trên 68,296 ha rừng giao khoán bảo vệ rừng do BQL rừng trồng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ và 49,395 ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng do UBND xã Tiên Lãnh quản lý.

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Riêng năm 2017 đã phát hiện 10 vụ vi phạm, thiệt hại 24,790 ha (thuộc các Tiểu khu 556, 557), trong đó có 21,996 ha, chức năng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Cùng với đó UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã quản lý 19/52,994 ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra xử lý 25 vụ. Riêng vụ phá rừng này đã đủ yếu tố khởi vụ án”.

Tuy nhiên theo người dân, diện tích phá rừng là con số khủng lên đến hàng trăm ha. Ông Trần Anh Dũng ở thôn 1 xã Tiên Lãnh, nguyên là đại biểu HĐND xã Tiên Lãnh 2 nhiệm kỳ cho rằng: “Chuyện phá rừng đã xảy ra thường xuyên, đáng nói trong tất cả các kỳ họp HĐND các cấp cử tri luôn phản ánh nhưng rồi đều trôi qua. Bây giờ, phải nói rằng, rừng nguyên sinh ở đây coi như đã bị xóa sổ, nó được phủ bởi màu xanh của cây keo trồng”.

Còn ông Võ Văn Trọng cho rằng: “Theo tôi, những năm qua phải có đến 400h rừng bị phá. Chỉ một ngọn đồi trước mặt anh đã hơn 100 ha huống gì bạt ngàn rừng ở Tiên Lãnh này”.


Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiểm tra tại hiện trường.

Trước tình hình trên, ông Huỳnh Tấn Đức nhấn mạnh: “Để báo chí phát hiện chúng ta mới vào cuộc đó là sự chậm trể, không kịp thời xử lý nhưng dù thế nào đối với các vụ phá rừng trái phép đã phát hiện và lập hồ sơ, phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị: “Các cơ quan thuộc khối Nội chính huyện Tiên Phước thống nhất kết quả đo tính diện tích rừng bị phá do cơ quan Kiểm lâm cấp huyện tính toán, để làm cơ sở cho việc tiếp nhận hồ sơ khởi tố do Kiểm lâm chuyển. Cùng với đó đề nghị cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện quan tâm phối hợp chỉ đạo điều tra để sớm đưa ra truy tố các đối tượng vi phạm, nhằm góp phần răn đe và phòng ngừa chung”- ông Đức nói.

Sở NN&PTNT cũng cho biết, ngành lâm nghiệp đã đề ra các giải pháp, trong đó, thay đổi hình thức giao khoán rừng cho hộ, nhóm hộ gia đình bằng các tổ, đội bảo vệ rừng thôn; triển khai phương án giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý và gắn với việc cắm mốc ranh giới các loại rừng ngoài thực địa; Xây dựng đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dự án thủy điện Sông Tranh 3 cho những diện tích rừng nằm trong lưu vực để tăng cường nguồn kinh phí thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng. Sở đã lập phương án trồng rừng phòng hộ bằng loài cây bản địa; đối với đất rừng sản xuất thì rà soát để giao cho hộ gia đình sản xuất theo quy hoạch.


Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trường.

Trước đó như Đại Đoàn kết đã có loạt bài phản ánh về tình trạng tàn phá rừng phòng hộ ở xã Tiên lãnh. Ngay sau khi báo ra bài đầu “Tan hoang rừng phong hộ”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phá rừng theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả với Thủ tướng.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Qua thực tế cho thấy những khu rừng bị phá không lấy gỗ mà chủ yếu là trồng keo, tuy nhiên đó là rừng đầu nguồn, có chức năng phòng hộ, tác hại đến môi trường rất lớn”.

Để xảy ra phá rừng là trách nhiệm của các cơ quan, BQL trồng rừng chưa chặt chẽ trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là việc kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng.

Đối với UBND xã có dấu hiệu buông lỏng quản lý rừng phòng hộ. Công tác dân vận, nắm bắt thông tin, xử lý không kịp thời. Một số vụ việc xử lý hành chính không đủ mức răn đe thì người dân mất niềm tin.

Hoạt động của Kiểm lâm địa bàn đem lại hiệu quả chưa cao. Khởi tố vụ án, nhưng không khởi tố bị an, một phần do hồ sơ chưa chặt chẽ. Đối với UBND huyện chưa bám sát với cơ sở, chưa nắm bắt được tình hình, chưa có biện pháp chấn chỉnh, chưa giao đất sớm cho dân sản xuất.

Ông Thanh đề nghị: “Cơ quan Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án. Công an tỉnh xem xét tính chất vụ án có thể rút hồ sơ lên Công tỉnh để xử lý, xem đây là vụ án điểm để có tính chất răn đe. Cần phải tìm ra kẻ chủ mưu phá rừng. Phải xử lý đúng người, đúng tội. Kêu gọi mọi người tố giác, sớm tìm ra kẻ chủ đích phá rừng để đưa ra xét xử”. Cùng với đó ông Thanh đã chỉ đạo nhiều nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan để nâng cao năng lực bảo vệ rừng.

T. Nhân – Ch. Đại