Đấu thầu qua mạng: minh bạch, giảm chi phí
Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, 8 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thực hiện thành công hơn 5.000 dự án được tổ chức đấu thầu qua mạng. Minh bạch, công bằng và tiết kiệm, đó là những ưu điểm của hình thức đấu thầu này.
Đây cũng đang được coi như một xu thế nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, nảy sinh tiêu cực trong công tác đấu thầu. Theo đó, ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nhân lực phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án vì mọi thông tin được lưu trữ trên trang web nên không bị mất dữ liệu.
Bà Nguyễn Thu Hiền- trưởng ban Đấu thầu thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết: EVN Hà Nội đã có quá trình tham gia vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ thời gian thí điểm năm 2009. Tính đến nay, hành lang pháp lý và hạ tầng của hệ thống ngày càng được hoàn thiện đã giúp bên mời thầu, nhà thầu tương tác tốt hơn, việc triển khai đấu thầu qua mạng thuận tiện hơn rất nhiều.
Ông Vũ Tuấn Hùng- tổ trưởng tổ đấu thầu thuộc phòng Kế hoạch vật tư, Công ty Nhiệt điện Mông Dương chia sẻ: Đấu thầu qua mạng giúp bên mời thầu giảm thiểu được giấy tờ lưu trữ vì những văn bản này đã được lưu hết trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có thể dễ dàng trích xuất lại trong quá trình kiểm tra, thanh tra. Mặt khác, với sự công khai trong mời thầu, mở thầu, nộp hồ sơ dự thầu sẽ giúp các gói thầu đấu thầu điện tử tăng tính minh bạch. Các gói thầu đấu thầu điện tử cũng có nhiều nhà thầu tham dự hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu vì không chỉ có nhà thầu bản địa mà còn có nhà thầu ở khu vực lân cận, thậm chí trong cả nước tham gia nộp hồ sơ.
Dù vậy, vẫn còn một số điều cần hoàn thiện khi thực hiện hình thức đấu thầu này, theo ông Hùng, với số lượng nhà thầu tham gia các gói thầu đấu thầu điện tử ngày càng nhiều thì rất cần có quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu, quá trình xét thầu giúp giảm thiểu thời gian cho bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, sớm ban hành văn bản pháp lý về quy trình đánh giá ngược để các bên mời thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu được nhanh, hiệu quả, minh bạch.
Còn theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, BOT là chi phí không hợp lý mà cả xã hội đang phải chịu đựng. Nếu đấu thầu công khai minh bạch sẽ không xảy ra những hệ lụy từ những trạm thu phí BOT như hiện nay.
“Tại sao chúng ta không công khai minh bạch, đấu thầu các dự án BOT? Vì sao không công khai số lượng xe, nguồn vốn đầu tư. Chúng ta không công khai, cứ để “tù mù” như vậy sao nhân dân không bức xúc”- ông Đông nói và cho rằng cần công khai minh bạch thông tin không chỉ với các dự án BOT mà tất cả các dự án bằng đấu thầu công khai.