Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Không được như kỳ vọng
Với hàng loạt khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách hoạt động, 27 quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) trên cả nước đang rơi vào cảnh bỏ thì thương vương thì tội, hoạt động cầm chừng.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng.
15 năm bảo lãnh được 3,2% vốn
Các DN vừa và nhỏ (DNVVN) hiện nay đều rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Do vậy Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời được kỳ vọng là cầu nối giữa ngân hàng với các DNVVN không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay nhưng có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi.
Mục tiêu và kỳ vọng là vậy song trong suốt 15 năm qua, mục tiêu vẫn chỉ là mục tiêu. Nghịch lý hơn ở điểm nữa là, 70% DNVVN chưa tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng cũng không thể tiếp cận được vốn từ sự bảo lãnh của các quỹ.
Nhằm hỗ trợ DNVVN tiếp cận tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23-1-2001 về trợ giúp phát triển DNVVN. Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN cũng được cụ thế hóa bằng Quyết định 193/2001/QĐ-TTg.
Sau đó, Chính phủ cũng có nhiều văn bản khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải hỗ trợ cho DNVVN và chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của DNVVN mà gần đây nhất là Nghị quyết 35/NĐ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020. Văn bản có, chính sách có, song các số liệu trên thực tế chỉ ra rằng, quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động cầm chừng.
Các dữ liệu về quỹ bảo lãnh tín dụng cho biết, tổng số vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng trên 1.462 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách cấp là 1.318,4 tỷ và vốn góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định là 143,6 tỷ đồng luỹ kế doanh số bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2002 đến 30-6-2016 ước khoảng trên 4.161 tỷ đồng trên tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay DNVVN, tương đương 3,2%. Tổng số tiền các quỹ bảo lãnh tín dụng đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNVVN ước khoảng 361 tỷ đồng, tương đương 8,6%.
TS. Đặng Đức Anh- trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, Quỹ được thành lập song đều rơi vào tình cảnh không hoạt động.
Nhưng nguyên nhân từ đâu? Thật không khó để trả lời rằng, quỹ hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng lại chịu sự quản lý của nhà nước ở tất cả các ngành liên quan. Quy định cơ chế trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến sự tranh chấp lẫn nhau. Chưa kể sự phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại còn kém hiệu quả, mức độ tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ còn hạn chế.
TS Đặng Đức Anh chỉ rõ quá trình đi khảo sát, lãnh đạo một số quỹ chia sẻ, họ không được lợi ích gì nhưng nếu kiện cáo sẽ bị thanh tra, kiểm toán. Chưa kể khi xảy ra sự cố hay nợ xấu, DN không có tài sản bảo đảm thì những người làm ở quỹ phải chịu trách nhiệm. Thậm chí quy trách nhiệm hình sự do vậy họ không dám đẩy mạnh hoạt động.
TS Đặng Đức Anh cho biết thêm, đa số DN đến đến với Quỹ bảo lãnh tín dụng là do không đủ điều kiện để tiếp cận ngân hàng, nhưng các ngân hàng không an tâm với quỹ vì sợ rủi ro lớn do khó đòi tiền khi DN rủi ro.
Chia sẻ rủi ro
Giới chuyên gia cho rằng, để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN phát huy hiệu quả, cần phải tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ thí điểm (với sự tham gia của hiệp hội), thiết lập các điều kiện khung và hỗ trợ trong thời gian đầu, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào hệ thống bảo lãnh này và dần chuyển giao hệ thống cho DN tư nhân.
“Cần tạo trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả các quỹ bảo lãnh tính dụng và các NHTM với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%. Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ”- TS Đặng Đức Anh đề xuất.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, quỹ bảo lãnh cần linh hoạt hơn trong việc xác định thẩm định năng lực doanh nghiệp, phương án kinh doanh để có thế chấp cho phù hợp. Có thể điều chỉnh quy định về tài sản đảm bảo theo hướng các DNVVN có thể dùng chính tài sản của mình hoặc tài sản khác và sử dụng các biện pháp đảm bảo cho bảo lãnh tín dụng bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp bảo đảm bảo lãnh.