Áp dụng công nghệ cao bảo tồn di sản văn hóa: Gian nan đi tìm 'bà đỡ'
Sự dụng công nghệ cao trong việc bảo tồn di sản văn hóa không phải là việc làm mới với nhiều quốc gia, nhưng ở Việt Nam việc áp dụng đến nay vẫn chưa thực hiện một cách hiệu quả. Bởi thực tế việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi nhiều nguồn lực tổng hợp trong đó nguồn lực tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng.
Chuyên gia nước ngoài phối hợp bảo tồn Di sản kiến trúc Mỹ Sơn.
Khởi đầu đầy gian nan
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo việc hoàn thiện dự án áp dụng công nghệ bảo tồn các tư liệu hát xoan. Theo những ghi nhận ban đầu việc “số hóa” tư liệu di sản hát xoan đang là biện pháp hữu hiệu để lưu giữ, bảo tồn bền vững nhất và là nhiệm vụ quan trọng đối với cơ quan quản lý văn hóa.
Đặc biệt, thông qua việc sưu tầm hiện vật cho dự án các chuyên gia đã sưu tầm được 5 bài bản hát xoan chữ Hán, chữ Nôm; 30 băng đĩa ghi hình, băng ghi âm, ghi hình điền dã trong thời gian lập hồ sơ hát xoan; 200 ảnh tư liệu hát xoan tại Hà Nội và những năm 70 của thế kỷ XX và nhiều tư liệu quan trọng khác…
Tuy nhiên, với những bước đi thành công ban đầu thì việc áp dụng công nghệ để bảo tồn di sản văn hóa nói chung và hát xoan nói riêng vẫn là những hành trình đầy gian nan trước mắt.
Bà Nguyễn Mai Thoa- phó giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ công nghệ, kỹ thuật đến cả vấn đề nhân lực. Để lập nên ngân hàng dữ liệu di sản hát xoan bằng số hóa, tốn rất nhiều thời gian, tiền của”. Bà Thoa cũng chia sẻ các tư liệu về di sản hát xoan nằm rải rác ở các trung tâm lưu trữ, nhà xuất bản, thư viện, viện nghiên cứu, báo chí trung ương, địa phương… nên công tác thu thập tư liệu mất nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Một số cơ quan, đơn vị yêu cầu về kinh phí mua tư liệu khá cao. Các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, một số cụ đã mất nên việc khai thác, sưu tầm cũng gặp khó khăn.
“Trên thực tế không dễ dàng để có một đội ngũ những người am hiểu cả về công nghệ lẫn các nghiên cứu văn hóa, từ đó đáp ứng được hai yêu cầu căn bản của quá trình số hóa”- bà Thoa cho hay.
Không chỉ với hát xoan, trước đó việc áp dụng công nghệ trong Khu Di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) cũng đã đặt ra một dấu hỏi lớn trong cách thức vận hành. Mặc dù, di sản nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức trong nước và quốc tế nhưng “bài toán” về nguồn vốn và nguồn nhân lực đến này vẫn chưa được khắc phục.
Thậm chí ngay tại thời điểm này đang có rất nhiều chuyên gia thế giới đã đem tới các công nghệ và phương pháp khác nhau để đưa vào thực hiện ở Thánh địa Mỹ Sơn. Tuy nhiên, các công nghệ được sử dụng đều bộc lộ những hạn chế như làm gạch mủn, mốc, tháp vẫn tiếp tục sụt lún... Nguyên nhân chính của những hạn chế trên chủ yếu vẫn là chưa giải mã được chính xác những bí mật về nguyên, vật liệu, kỹ thuật xây dựng được người Chăm xưa sử dụng xây tháp.
Xã hội hóa bảo tồn
Thực tế việc áp dụng công nghệ cao cần trong tác bảo tồn và đây còn là “bàn tay” nối dài mang di sản đến gần hơn với công chúng. TS. Nguyễn Thị Hậu nhận định, đây là cách làm hữu hiệu để trước nguy cơ mất mát các di sản. Thực trạng đó không chỉ đặt ra yêu cầu giữ cho các di sản, hiện vật lịch sử đó được “sống” mà còn đặt ra vấn đề lưu trữ dữ liệu, bảo tồn và tái hiện hình ảnh các không gian di sản, các hiện vật lịch sử. Để giúp tăng cường nhận thức về di sản, các nhà nghiên cứu vẫn đang khảo cứu, tư liệu hóa và công bố nhiều công trình. Ví dụ, đã có rất nhiều nghiên cứu và xuất bản phẩm về di sản kiến trúc cổ ở Hà Nội. Nhưng những thông tin đó còn mang nặng tính hàn lâm, khó tiếp cận với đại đa số công chúng. Vấn đề là cần xây dựng hệ thống dữ liệu về các di sản và có cách thức chuyển tải thông tin một cách gần gũi hơn
Hữu ích là vậy nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Huy- giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học băn khoăn: “Cần có đầu tư xứng đáng từ nhà nước cho việc số hóa dữ liệu di sản với cơ chế phối hợp công và tư rõ ràng. Một số nhóm đam mê di sản có ý tưởng và công nghệ số hóa để bảo tồn di sản cần có “bà đỡ”, nếu không thì sẽ khó lòng tồn tại lâu được”.
Vẫn theo ông Huy, trên thế giới, việc sử dụng công nghệ như công nghệ hình ảnh 3D để lưu trữ, truyền thông về di sản đã trở nên phổ biến. Ở Việt Nam cũng rất cần học hỏi cách làm này, nhưng vấn đề là ai làm? Có làm lâu dài được hay không? Bởi quá trình số hóa dữ liệu cần phải qua hai bước. Đó là nhận diện di sản và sau đó mới tư liệu hóa, nhà khoa học cần phải “hiện diện” ở cả hai bước này nhằm đánh giá di sản và đảm bảo từng thao tác kỹ thuật trong các khâu tư liệu hóa đúng với yêu cầu bảo tồn. Nhìn chung, bức tranh trên cho thấy, để đưa ứng dụng công nghệ 3D vào số hóa dữ liệu di sản không phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng về công nghệ mà chủ yếu nằm ở khâu phối kết hợp giữa các đơn vị quản lý di sản, di tích và bảo tàng với các đơn vị làm về giải pháp công nghệ.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, áp dụng công nghệ không chỉ gặp khó về mặt chuyên môn mà còn vướng ở khâu “thủ tục”. Nhiều đơn vị tư nhân được xem là những “bà đỡ” cũng thường gặp khó khăn trong việc tìm sự hợp tác từ các cơ quan, đơn vị quản lý di sản.
Đơn cử như băn khoăn Hoàng Quốc Việt- tổng giám đốc Vietsoftpro: “Một số đơn vị cởi mở hợp tác thì mới chủ yếu ở phần số hóa và trưng bày bảo tàng ảo 3D, nhưng cũng rất nhiều cơ quan lắc đầu. Một phần vì chưa đủ tin tưởng vào khả năng của chúng tôi, một phần vì lo ngại việc phải chia sẻ dữ liệu về di sản và hiện vật lịch sử”.
Trao đổi với một số đơn vị làm bảo tàng, di sản nổi tiếng ở Hà Nội, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Ngoài ra các đơn vị đó cũng cho biết chưa thể có nguồn kinh phí dành riêng cho hoạt động này.