Sớm hoàn thiện cơ chế giám sát
Việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư hiện vẫn còn đang gặp khó khăn do chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Cần phải xây dựng cơ chế hoàn chỉnh để Mặt trận thực hiện tốt chức năng này. Đó là chia sẻ của ông Đỗ Duy Thường - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với PV báo Đại Đoàn Kết.
Ông Đỗ Duy Thường.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đang được thực hiện hiện nay?
Ông ĐỖ DUY THƯỜNG: - Theo tôi, chúng ta phải huy động được sức mạnh của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phải dựa vào dân để giám sát. Tuy nhiên, giám sát của Mặt trận mang tính phát hiện, đánh giá, kiến nghị cho nên khi tiến hành giám sát đòi hỏi phải rõ cơ chế để tạo điều kiện cho các hoạt động giám sát hiệu quả. Trong khi hiện nay giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng để thực hiện, khiến cho việc huy động sức mạnh của nhân dân trong giám sát gặp khó khăn.
Phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để giám sát. Tuy nhiên, khi tiến hành giám sát vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu, nhất là phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận; phối hợp giữa UBMTTQ với các tổ chức thành viên. Nếu MTTQ mà không có các tổ chức thành viên thì không thể giám sát được vì Mặt trận không có đoàn viên, hội viên. Chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nghĩa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước phối hợp, Mặt trận cùng với tổ chức thành viên thống nhất hành động trong tổ chức của mình.
Thưa ông, việc giám sát này không phải dễ dàng và đang gặp khó khăn?
- Trước hết điều kiện để đảm bảo giám sát cán bộ, công chức, đảng viên còn hết sức khó khăn. Đội ngũ cán bộ tham gia giám sát ngoài kiến thức về chuyên môn thì phải có kiến thức trong vận động quần chúng nhưng cán bộ của chúng ta hầu như chưa đáp ứng được việc này. Bên cạnh đó, cơ chế về tài chính để thực hiện giám sát vẫn còn eo hẹp. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện nhưng nguồn kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động giám sát khi về tới khu dân cư không nhiều. Cho nên câu chuyện về kinh phí vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Nhiều hình thức giám sát cán bộ công chức, đảng viênBan Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Chỉ thị này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bối cảnh TPHCM và cả nước đang tập trung thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với các nghị quyết, quyết định, chỉ thị liên quan của Trung ương, Chỉ thị số 19-CT/TU đã tạo điều kiện cho nhân dân thành phố phát huy dân chủ trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Với tinh thần xây dựng, thông qua MTTQ, nhân dân đã góp ý kiến với nhiều cán bộ, công chức, đảng viên về thái độ giao tiếp, việc tham gia sinh hoạt và chấp hành các quy định tại địa phương. Tại một số tổ dân phố, thông qua Ban Công tác Mặt trận người dân đã thẳng thắn góp ý với một đảng viên không chấp hành sự vận động của chính quyền trong việc lập lại trật tự lòng, lề đường; cán bộ phường không tham gia sinh hoạt thường xuyên tại nơi cư trú…Thực tế công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại TPHCM cho thấy, bằng nhiều hình thức, nhiều địa phương đã phát huy tốt vai trò của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên về các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước; thiếu trách nhiệm phục vụ nhân dân; sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc của dân… N.D |
Thưa ông, việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư là giám sát mang tính cá nhân nhưng không dễ mà thực hiện. Muốn giám sát thành công, người tham gia giám sát phải hiểu vấn đề, nắm rõ nội dung, quy trình giám sát?
- Về mặt lý thuyết thì đây là giám sát mang tính cá nhân. Chúng ta phải hiểu đúng bản chất thì mới giám sát được. Đảng vẫn nói hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất cho nên cái chúng ta làm là giám sát sự suy giảm đạo đức, phong cách của cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt, còn nếu giám sát việc rèn luyện chung chung thì rất trừu tượng, không cụ thể. Khi thực hiện việc này, chủ thể giám sát phải rõ ràng. Ở khu dân cư phải là Ban Công tác Mặt trận chủ trì, các tổ chức đoàn thể cùng phối hợp. Còn trong cơ quan đoàn thể thì các tổ chức đoàn thể sẽ là tổ chức chủ trì, phối hợp và nên giao cho công đoàn phụ trách việc này.
Trong nội dung giám sát cán bộ chủ chốt và người đứng đầu, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 có đưa ra 9 tiêu chí về sự suy giảm đạo đức, phẩm chất, phong cách của cán bộ, đảng viên mà Đảng đã quy định, phải dựa vào đó để giám sát. Trong công chức, viên chức phải giám sát đạo đức công vụ. Đối với đảng viên ở khu dân cư (KDC) mà đi làm việc ở nơi khác phải giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ở cơ sở và những quy ước, hương ước ở KDC. Tất cả những nội dung giám sát đó phải được quy định rõ ràng, cụ thể chứ nếu nói chung chung Mặt trận không thể nào giám sát được.
Bên cạnh đó, phương thức giám sát phải rõ ràng. Trước đây, giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có Nghị quyết Liên tịch số 05 về giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở KDC và chúng ta đã sơ kết, tổng kết nhưng từ đó đến nay có làm tiếp hay không thì lại không rõ ràng. Có những địa phương mà chúng tôi đi khảo sát đến giờ phút này như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và rất nhiều tỉnh vẫn còn đang thực hiện Nghị quyết 05. Nghị quyết này đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Vì vậy, với những quy định hiệu quả, có tính ổn định cần phải tiếp tục được kế thừa, phát huy.
Trân trọng cảm ơn ông!