Tiền ảo và sự xâm nhập vào thế giới xa xỉ
Khi Bitcoin cùng một số lượng kha khá các đồng tiền ảo khác lần đầu tiên xuất hiện vào đầu thập kỷ này, rất nhiều người - bao gồm cả các nhà kinh tế học nổi tiếng và chuyên gia tài chính - đã coi nó như một điều ngớ ngẩn. Tuy nhiên, ngày nay, đồng tiền này đã trở thành một công cụ để mua bán những mặt hàng xa xỉ trên Internet.
Một cửa hàng tại Las Vegas chấp nhận chi trả bằng đồng Bitcoin. Nguồn: Getty.
Trước đây, khi lần đầu xuất hiện, Bitcoin được bị coi như một dạng tiền ảo không có giá trị, ngoại trừ đối với những người tìm kiếm mua các mặt hàng buôn lậu, không hợp pháp. Ngày nay, ngay cả những cửa hàng cafe ở nhiều nước phương Tây còn bán hàng bằng đồng Bitcoin. Thậm chí, hàng loạt các mặt hàng xa xỉ gồm đồ trang sức đắt tiền, xe hơi hạng sang, hay các tác phẩm nghệ thuật đắt giá...cũng có thể mua, hoặc chỉ có thể mua được bằng đồng tiền ảo này.
“Rất nhiều nhà kinh tế học đã cho rằng nó là một dạng tiền tệ đầy khiếm khuyết, thứ gì đó có thể không bao giờ được chấp nhận”- TS Garrick Hileman, nhà lịch sử kinh tế học thuộc ĐH Cambridge và ĐH Kinh tế London (Anh), nhận định.
“Nhưng hiện nay, chúng tôi ước tính có khoảng 5 - 10 triệu người đang sử dụng tiền ảo, và theo quan điểm của tôi, đó chính là một sự kỳ diệu của kinh tế”- ông Hileman nói.
Quy luật của Bitcoin
Và hiện nay, trong vô số các đồng tiền ảo đang lưu hành thì Bitcoin được cho là đang dẫn đầu, cái tên của nó thậm chí còn phổ biến trong nền kinh tế thứ cấp đến nỗi cứ nhắc đến tiền ảo là nhiều người nhắc đến Bitcoin.
Bất chấp việc tồn tại nhiều vấn đề từng xảy ra với đồng tiền này, như bị giảm giá trị, rút tiền hàng loạt, cùng nhiều rủi ro về việc kiểm soát, Bitcoin vẫn đập tan những dự báo của giới chuyên gia kinh tế và cán mốc 4.000 USD/1 Bitcoin lần đầu tiên trong tháng 8 vừa qua.
Mới chỉ cách đây 6 năm, vào thời điểm giữa năm 2011, 1 đồng Bitcoin chỉ có giá khoảng 1 USD. Một chuyên gia khác, Kay Van Petersen thuộc Ngân hàng Saxo, tin rằng trong vòng 10 năm tới, giá của đồng Bitcoin có thể đạt tới 100.000 USD.
Nghệ thuật và tiền ảo
Trong lúc mà các đồng tiền ảo dường như sẽ còn tồn tại trong dài hạn, ngày càng có nhiều ngành công nghiệp đang hướng tới việc sử dụng chúng.
Các tập đoàn hàng đầu thế giới như Microsoft và Paypal nằm trong số những công ty đa quốc gia đầu tiên chính thức chấp nhận sự tồn tại của Bitcoin, bên cạnh đủ kiểu cơ sở kinh doanh khác trên khắp thế giới - bao gồm cả các quán bar, thợ sửa ống nước hay thợ săm.
Đáng chú ý hơn cả, một trường hợp mới đây nhất ở nước Anh đã chứng minh rằng Bitcoin có thể trở thành đồng tiền được sử dụng để mua bán, trao đổi các tác phẩm nghệ thuật, sau khi chủ sở hữu một phòng trưng bày tranh Dadiani Gallery ở London là Eleesa Dadiani, khởi xướng việc mua bán tranh bằng Bitcoin.
Tại trụ sở làm việc của mình - nơi mà bà Dadiani làm việc với các nghệ sỹ nổi danh ở nước Anh - bà giải thích về lý do mà bản thân trở nên hứng thú với đồng tiền ảo.
“Tôi đã chú ý đến nó từ vài năm trước, nhưng lúc đó nó chưa có nhiều ý nghĩa với tôi... Tôi không có kỹ năng sử dụng máy tính hay kiến thức về tài chính, nó vẫn còn quá mơ hồ với tôi vào thời điểm đó” - bà Dadiani nói và cho rằng: “Nhưng thông qua triển lãm tranh này, tôi bắt đầu khám phá ra những cách thức mà mô hình này có thể vận hành tốt hơn”.
Đối với Dadiani, việc bán các tác phẩm của bà để lấy đồng Bitcoin cũng đơn giản như việc bán hàng truyền thống.
“Tất cả mọi thứ chúng tôi có trong triển lãm này đều có thể được mua bằng tiền ảo”- bà Dadiani nói và khẳng định: “Nó được thực hiện hết sức đơn giản, không đòi hỏi một bên phải có ví tiền điện tử và chỉ mất có vài phút. Chúng tôi chấp nhận Bitcoin, Etherium, Live Coin, Ripple... Tôi luôn chấp nhận cả những đồng tiền ảo khác nữa”.
Kênh đầu tư mới?
Dadiani nhấn mạnh rằng đây không phải một mẹo quảng cáo mà triển lãm của bà áp dụng. Đối với bà, tiền ảo không chỉ là tương lai kinh doanh của bà, mà còn là một cách thức mới để làm những điều chắc chắn sẽ lan rộng khắp toàn cầu, nếu như mọi người có thể gạt bỏ định kiến của họ về nó.
“Bitcoin đã mở ra cho chúng ta cả một thị trường nơi có những con người mong muốn thử nghiệm sức mạnh của đồng tiền này đối với tài sản thực”- bà Dadiani nói và cho rằng: “Nó tạo ra một thứ tiền tệ hiện thực... nhưng cho đến khi có nhiều doanh nghiệp chấp nhận đồng tiền này, sẽ rất khó để nó trở thành một thứ tiền tệ thực sự”.
TS Hileman còn đi xa hơn khi cho rằng thế giới tác phẩm nghệ thuật là một ngành công nghiệp hoàn hảo để tiền ảo có thể tồn tại. “Có một số người cho rằng Bitcoin còn giống với một tác phẩm nghệ thuật hay một thứ tài sản thứ cấp hơn là một đồng tiền”- Hileman nói. “Một số người mua hàng hóa và dịch vụ bằng Bitcoin, nhưng nhiều người chỉ đơn giản là giữ nó như một thứ tài sản, như vàng hoặc tác phẩm nghệ thuật” - TS Hileman đánh giá đồng thời nhận định: “Bởi vậy, việc triển lãm nói trên chấp nhận tiền ảo là một bước đi thông minh để đánh tiếng tới những người đang nắm giữ vào Bitcoin rằng họ có thể đầu tư vào ngành công nghiệp nghệ thuật”.
Dadiani nói rằng bà không biết về bất kỳ chủ triển lãm nào khác cũng đang chấp nhận tiền ảo như bà, nhưng tin rằng các ngành nghề bán sản phẩm xa xỉ khác cũng có hứng thú với nó.
“Chúng tôi hy vọng rằng bằng việc đi tiên phong trong ngành nghệ thuật, chúng tôi có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về cách mà họ có thể mở rộng thị phần của mình”- bà Dadiani nói và nhận xét: “Sẽ có rất nhiều triển vọng mới khi bạn bước vào nền kinh tế mới này”.
Một tác phẩm nghệ thuật rao bán trực tuyến bằng đồng tiền ảo.
Bitcoin có thể mua gì?
Hiện nay, có vô số các thứ đồ xa xỉ mà một người có thể mua bằng đồng Bitcoin. Mới đây nhất, một bức tranh của rapper Notorious BIG đã được bán trực tuyến trên website của một triển lãm có tên Bitpremier với giá 2.946 Bitcoin (tương đương 10.000 USD với những người mua hàng truyền thống).
Ngoài ra, còn vô số mặt hàng mà người ta có thể mua trực tuyến bằng đồng Bitcoin, như tàu thuyền, máy bay hay thậm chí một căn hộ hạng sang trong khách sạn Trump mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sở hữu. Bất kỳ thứ hàng nào được mua cũng được xem như biểu tượng của một vị triệu phú thời kỳ công nghệ hiện đại.
Theo TS Hileman, còn có rất nhiều nhân tố thực tiễn khi một người mua lựa chọn đồng Bitcoin, như tốc độ của các giao dịch trong khi chi phí giao dịch lại thấp nếu so sánh với các phương thức mua bán truyền thống như dùng thẻ tín dụng. “Nếu như bạn chỉ chi 2 USD phí giao dịch cho việc mua bán một tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng chục nghìn USD, thì chi phí này gần như là không đáng tính. Nhưng nếu bạn phải chi 2% hoặc 3% chi phí giao dịch cho tác phẩm nghệ thuật ở mức giá đó, con số này sẽ rất lớn”- ông Hileman phân tích.
Sự phi tập trung và phi cơ chế điều tiết chính là điểm hấp dẫn ở đồng Bitcoin - và đối với những người như bà Dadiani thì đó chính là lý do để bà chuyển hướng sang đồng tiền này. “Nó sẽ làm thay đổi mọi thứ, nhưng nó cần phải bắt đầu với những người có con mắt nhìn khác biệt”- bà Dadiani nói, nhưng cũng không quên cảnh báo rằng Bitcoin cũng chứa đầy nguy hiểm với những người “chơi” với nó bởi sự bất trắc cũng như khó được bảo vệ khi gặp rủi ro. Vả lại, sự “phập phù” của nó cũng rất lớn, khi mà mới đây, chỉ trong vòng 1 tuần lễ nó đã bị mất 30% giá trị.