Mùa mưa bão, đề phòng rắn cắn
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp bị rắn độc cắn. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết là nạn nhân của các loài rắn lục, rắn hổ mang, rắn cạp nia... cắn. Nếu không xử trí sớm, vùng rắn cắn dễ bị hoại tử rộng, thậm chí phải cắt cụt chi, hoặc cắt bỏ tổ chức gân, cơ rất lớn.
Không tự tiện chữa khi bị rắn cắn.
Mùa... rắn cắn
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính- Trung tâm chống độc cho biết, thời điểm sau mưa bão thường là “mùa rắn cắn”, bởi đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa. Thời điểm hiện nay sau những ngày mưa nhiều cũng đang là điều kiện thuận lợi để rắn độc hoạt động, do đó nhiều nên người dân dễ bị rắn cắn. Các trường hợp bị rắn cắn thường xảy ra khi người bệnh đi lao động, đi du lịch, thậm chí, nhiều người chuyên nghề bắt rắn cũng bị rắn độc cắn. Hầu hết là nạn nhân của các loài rắn lục, rắn hổ mang, rắn cạp nia... cắn.Trung bình mỗi ngày, Trung tâm chống độc tiếp nhận 1 - 2 ca rắn cắn.
Thiếu tá, BS Lê Văn Tâm - phó chủ nhiệm Khoa điều trị rắn cắn thuộc Trung tâm Nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến dược liệu, Cục Hậu cần - Quân khu 9 cho biết, hiện đang vào mùa mưa lũ, số bệnh nhân bị rắn độc cắn tăng mạnh. Cụ thể, từ tháng 8-2017 đến nay, Khoa điều trị rắn cắn thuộc Trung tâm Nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến dược liệu đã tiếp nhận trên 350 ca do bị rắn độc cắn.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm mùa mưa lũ nên số lượng rắn xuất hiện nhiều, tập trung ở một số tỉnh như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp... Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến số bệnh nhân bị rắn cắn gia tăng mạnh. Nhiều trường hợp bị rắn cắn do bắt rắn, nuôi rắn hoặc đi làm đồng. Với trường hợp này thường bị rắn hổ mang và cạp nia tấn công. Nọc của các loại rắn này rất độc, nếu không xử trí sớm vùng rắn cắn dễ bị hoại tử rộng, thậm chí phải cắt cụt chi, hoặc cắt bỏ tổ chức gân, cơ rất lớn.
BS Chính cho hay, thường tại vết cắn có đau, sưng nề, có thể hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, dấu vết do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không gì đặc biệt nhưng có thể biểu hiện toàn thân: người bệnh nói khó, yếu chân tay, khó thở, nguyên nhân do nọc rắn này gây liệt mềm, tổn thương cơ vân, thận, loạn nhịp tim, tiểu ít. Bệnh nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ hô hấp gây khó thở, suy hô hấp.
Với người bị rắn cắn, tuyệt đối không tự đi lại vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Nên bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim. Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) nên băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Các chuyên gia chống độc khuyến cáo: Nếu không may bị rắn cắn, tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động; Nếu bệnh nhân khó thở, người nhà nên hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). |
Cũng không nên sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; chườm đá. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
Không tự đắp lá cây ở nhà
Theo BS Lê Văn Tâm, điểm cốt yếu trong việc điều trị rắn cắn là phải xác định được loại rắn nào cắn để kịp thời chữa trị bằng huyết thanh. Đối với các loài rắn như Hổ mang chúa, Hổ hèo... khi nọc độc của những loài này tiếp xúc với cơ thể con người sẽ gây ra nhiễm độc ảnh hưởng tới hệ thần kinh, xuất hiện nhiều triệu chứng như nôn ói, chóng mặt, mất kiểm soát... Còn đối với loài rắn lục, nọc độc sẽ tập trung tấn công vào máu, gây nhiễm trùng và hoại tử.
Khi đã xác định được bị nhiễm độc loại nào, sẽ điều trị bằng kháng huyết thanh theo loại độc đó và tỷ lệ chữa khỏi tuyệt đối. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân rắn cắn do tin vào kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang, cứ kéo dài chạy chữa tại nhà, đến khi nhập viện đã nhiễm độc nặng nên tổ chức gân cơ tại vết cắn bị hoại tử rộng, liệu trình điều trị huyết thanh không còn hiệu quả.
Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, khi bị rắn cắn nhiều người không biết cách xử trí dẫn đến các biến chứng nặng. Mới đây, trung tâm đã điều trị cho bệnh nhân Lại Văn H. (46 tuổi, ở Đăng Ninh, Nam Định) bị rắn cặp nia cắn trong vòng hơn 1 tháng nay. Theo đó, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, chi phí điều trị tốn kém nhưng lại không có BHYT. Nhiều lần, gia đình đã có ý định xin cho bệnh nhân về. Tuy nhiên, nhận thấy vẫn còn cơ hội sống nên các thầy thuốc đã động viên gia đình để bệnh nhân lại điều trị và may mắn bệnh nhân đã qua khỏi nguy kịch.
BS Nguyên khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ bị rắn cắn, khi đi trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi sát gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy, hoặc chân có đi giày).
BS Nguyên cũng lưu ý, để phòng ngừa rắn cắn trong gia đình, không nên ngủ dưới nền nhà vì rắn hay lui tới những chỗ ấm; thường xuyên kiểm tra nhà để phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn, khoảng trống không bịt kín của ván sàn). Không đi chân trần vào rừng, nương, rẫy (nhất vào ban đêm); không nên sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công)...
Người dân khi làm việc, di chuyển qua những bụi cây cỏ rậm rạp, những vùng ngập nước nên quan sát kỹ, nhằm tránh bị rắn cắn. Nếu không may bị rắn cắn, không nên chữa trị bằng những loại lá cây dại vì rất có thể dẫn tới nhiễm trùng. Đồng thời, chú ý xem đó là loại rắn gì, sau đó phải lập tức sơ cứu và đưa ngay đến trung tâm y tế.