Hà Tĩnh: Tàu 'găm' ngoài cảng chờ thủy triều lên

Hạnh Nguyên 25/09/2017 08:35

Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, Nghị định 67/CP ra đời tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân vươn khơi. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là hầu hết tàu lớn trong và ngoài tỉnh đều gặp khó khi cập bến. Sự lạc hậu của hạ tầng đã và đang cản trở phát triển kinh tế biển của Hà Tĩnh.


Hàng năm cảng Cửa Sót bị bồi lắng khoảng 100.000 m3 bùn cát.

Tàu lớn né cảng

Mỗi khi có tin bão đến, ngư dân và cơ quan chức năng Hà Tĩnh lại loay hoay với bài toán đưa tàu lớn vào bờ như thế nào khi mà luồng lạch bị bồi lắng tạo thành những bãi bồi lớn ngay trước cảng. Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) được xây dựng vào năm 2002 với tổng vốn đầu tư 46 tỉ đồng. Hằng ngày, có khoảng 200 tàu cá công suất từ 20CV đến trên 400CV của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào đây xả hàng, tiếp nhiên liệu. Đây được xem là “thủ phủ” cá của Hà Tĩnh, từng là nơi ra vào, neo đậu sầm uất, là điểm đến của rất nhiều tàu thuyền công suất lớn từ nhiều tỉnh trong các nước. Thế nhưng, vài 3 năm lại đây những con tàu này dần vắng bóng.

Nhiều lần đến cảng Cửa Sót, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tàu lớn mắc cạn ở cảng và buộc phải cầu cứu thuyền nhỏ ra tăng bo để kịp thời chuyển hàng vào nhập. Chiếc tàu công suất 300CV của ông Trần Xuân Sinh (43 tuổi, ngụ tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) thường xuyên là nạn nhân của hiện tượng này. Cách đây ít ngày, trên đường vào cập bến, tàu của ông Sinh mắc cạn ngay bãi bồi trước cảng và bị gãy bánh lái. “Để vào ra thuận lợi ở cảng cá này buộc chúng tôi phải canh khi nước triều lên. Khổ nhất là vào vụ cá, luồng lạch cạn nhiều khi nhỡ chuyến ra khơi. Đối với tàu công suất từ 800CV trở lên muốn vào ra ở cảng Cửa Sót thì phải chờ khi nào thủy triều đạt đỉnh, cả tuần mới tái lập một lần”, ông Sinh cho biết.

Ngoài con tàu 300CV này, ông Sinh còn có chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Niềm vui có tàu lớn với hy vọng vươn khơi chưa được bao lâu thì cũng đối mặt với lo lắng mỗi lần tàu cập cảng. Nếu chờ thủy triều lớn để vào thì số hải sản kém tươi ngon, mất giá. Ông phải để tàu ngoài xa, thuê tàu nhỏ chở hải sản vào. Chi phí cho mỗi chuyến đi vì thế cũng đội lên.

Theo nhiều ngư dân, từ năm 2013, khu vực trước cảng cá thuộc vũng quay tàu bị bùn cát bồi lắng, luồng lạch bị bồi lấp, ảnh hưởng đến việc ra vào cảng của tàu thuyền. Việc bồi lắng đất cát khiến các phương tiện đánh bắt có công suất trên 300 CV bị gãy chân vịt, bánh lái khi ra vào. Những tàu lớn hơn vào được nhưng không ra được thường xuyên xảy ra.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Khu vực phía trước của cảng cá Cửa Sót là vị trí cửa sông đổ ra biển nhưng mấy năm trở lại đây bị bùn cát bồi lắng, khối lượng ước khoảng 100.000 m3/năm, điều này vô tình tạo thành những bãi bồi cao. Từ năm 2013 đến nay đã có gần 200 tàu thuyền bị gãy chân vịt và bánh lái, nhiều tàu cong vênh do mắc cạn. Các tàu cá thường cập cảng trễ nên hải sản khai thác được bị giảm chất lượng, thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Hà Tĩnh hiện có 2 cảng cá Xuân Hội, Cửa Sót; 2 bến cá Cẩm Nhượng, Kỳ Ninh và âu thuyền Kỳ Lợi với gần 300 tàu đánh bắt xa bờ. Hầu hết các cảng, bến cá đều lâm cảnh tương tự. Ông Đinh Sỹ Long - Cảng trưởng cảng cá Xuân Hội cho biết: Cảng Xuân Hội chỉ thiết kế cho tàu thuyền dưới 250CV nhưng thời gian qua BQL cảng thường xuyên tiếp nhận 25 chiếc tàu từ 100CV đến 829CV, trong đó có 5 chiếc 829CV, 11 chiếc trên 250CV và 7 chiếc dưới 250CV.

Nếu tính độ dài của cảng so với thiết kế thì đúng, nhưng so với sự phát triển của các tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì không đủ rộng để các tàu này vào cập cảng. Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền thông tin, trước đây, bến cá Cẩm Nhượng có khoảng 1.500 tàu thuyền các loại ra vào cập bến nhưng mấy năm gần đây chỉ có khoảng 1.000 chiếc vào được vì luồng lạch bồi lắng, cản trở việc cập bến của tàu thuyền, nhất là tàu công suất lớn.


Tàu thuyền “nằm bờ” sau bão số 10 do hư hỏng và luồng lạch cạn.

Cần sớm gỡ khó

Theo thống kê, hiện tỉnh Hà Tĩnh có gần 300 tàu đánh bắt xa bờ. Nếu các cảng, bến cá có hạ tầng đồng bộ, đáp ứng được sự phát triển của tàu thuyền, sẽ có hàng trăm tàu công suất lớn khác ở các tỉnh bạn tập trung về đây. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết: “Các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trước đây Hà Tĩnh đều thiết kế cho tàu 250CV đến 300CV ra vào cập cảng. Thế nhưng thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều tàu thuyền công suất từ 250CV đến 1.000CV. Điều đó đã khiến, cơ sở hạ tầng các cảng cá hiện nay không đáp ứng được sự phát triển của các tàu thuyền, nhất là các tàu đóng mới theo Nghị định 67. Khi hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển thì tất yếu sẽ xảy ra nhiều bất cập”.

Ngoài ra, trong vòng 3 năm trở lại nay tình trạng luồng lạch vào các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lắng phù sa ngày càng nhanh và nghiêm trọng. Nhiều nơi ngay cả tàu thuyền có công suất trên 90CV cũng chỉ vào được cảng lúc triều cường lên, còn khi triều xuống, các tàu cá đều phải neo đậu ngoài xa chờ con nước lên mới vào bốc dỡ được hàng khiến chi phí đội lên rất cao.

Những thời điểm khẩn cấp như tránh trú bão, những chiếc tàu công suất lớn trị giá hàng chục tỉ đồng buộc phải “găm” ngoài cảng chờ thủy triều lên. Trường hợp bão vào gấp không thể đưa tàu vào kịp thời, hậu họa sẽ khó lường. Theo tính toán của Viện khoa học Thủy sản Việt Nam thì mỗi năm cảng Cửa Sót bị bồi lắng khoảng 100.000m3. Luồng chính tại cảng Cửa Sót theo thiết kế hiện đã bị bồi lấp thành cồn, tàu thuyền muốn vào cảng phải đi theo luồng phụ, vừa xa, vừa hẹp và cạn hơn. Ngoài ra, tốc độ bồi lắng tại cảng Xuân Hội và bến Cẩm Nhượng cũng đáng báo động.

Để giải quyết tình thế, BQL các cảng cá Hà Tĩnh đã thuê các tàu thuyền tới hút cát để mở luồng phụ nhưng cũng chỉ đáp ứng được một thời gian ngắn. Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã nhiều lần kiến nghị xin chủ trương xã hội hóa việc nạo vét các cảng cá nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Hạnh Nguyên