Tìm cơ chế giải quyết xung đột trong lĩnh vực môi trường
Dù nhiều vụ việc liên quan đến doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông, biển, thế nhưng luật pháp lại rất thiếu cơ chế giải quyết xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Hệ quả là các bức xúc xã hội có những nơi bị đẩy lên phức tạp, dẫn đến các hành vi cực đoan, trái pháp luật. Nhận định nêu trên được các học giả, nhà nghiên cứu, luật gia, luật sư trong nước và quốc tế góp ý tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ môi trường với ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - Những vấn đề pháp lý đặt ra” được Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức cuối tuần qua.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề bảo đảm tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực môi trường đang được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn, sau các vụ việc gây ô nhiễm nghiêm trọng về hệ thống sông ngòi, ven biển. Vấn đề là cần làm rõ các nguy cơ đe dọa an ninh môi trường ở Việt Nam hiện tại và tương lai; về các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường và vai trò của các thành phần trong xã hội về việc bảo vệ môi trường sống.
Đây chính là những vấn đề pháp lý rất quan trọng để góp ý sửa đổi luật pháp về môi trường hiện nay ở nước ta. Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận việc mất cân bằng sinh thái do việc kiểm soát chưa hiệu quả đối với việc nhập khẩu các loài ngoại lai, vấn đề tranh chấp tài nguyên môi trường tại Việt Nam. Những nguy cơ này có phần bắt nguồn từ sự hạn chế về chính sách và các quy định pháp luật cũng như cơ chế đảm bảo thực hiện.
Một vấn đề khác cũng được đại biểu cho ý kiến, đó là cần học tập kinh nghiệm xử lý sự cố môi trường của các nước, từ đó áp dụng vào Việt Nam trong những tình huống cụ thể. Nhất là nên học hỏi kinh nghiệm của các nước trong xây dựng một bộ luật có tính răn đe mạnh đối với các hành vi doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Tuy Việt Nam đang dịch chuyển từ nước nghèo sang nước thu nhập trung bình những không thể đi sau giải quyết những hậu quả môi trường. Thay vào đó, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển xanh thực chất, vững chắc.