Kì thi THPT quốc gia 2018: Giữ ổn định phương thức tổ chức như năm 2017
Theo Bộ Giáo dục, phương thức tổ chức Kì thi THPT quốc gia trong năm 2018 và các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.
Các thí sinh trong kì thi THPT quốc gia 2017.
Ngày 25/9, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các học viện, các trường ĐH; các trường CĐ đào tạo giáo viên; Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) về việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018.
Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2015 Bộ đã đổi mới phương thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, phương thức tổ chức Kì thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Kì thi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD&ĐT thông báo một số chủ trương sẽ thực hiện theo lộ trình gồm: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về các bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017.
Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học.
Rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.