Tự hào những kỹ sư BSR

M.Loan 25/09/2017 15:43

Tiếp chúng tôi tại Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị trực tiếp quản lý nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất vào hôm mưa gió, gần như tất cả các bộ phận đang lo chống bão số 10, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hội và Chủ tịch công đoàn BSR Khuất Thị Lê hồ hởi thông báo: BSR vừa trải qua đợt bảo dưỡng tổng thế lần 3 rất thành công và hoàn thành trước kế hoạch đề ra hôm 25/7, khi phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC) - phân xưởng công nghệ cuối cùng và quan trọng nhất của Nhà máy đã khởi động lại

Các kỹ sư đang kiểm tra lại máy móc trong đợt bảo dưởng tổng thể lần thứ 3 năm 2017 tại Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Bước đệm thành công chuẩn bị cho IPO

Tâm sự với cánh nhà báo, bà Khuất Thị Lê bảo, trong những ngày bảo dưỡng tổng thể, gần như toàn nhà máy dốc tổng lực cho công tác này và ai cũng chỉ có một mong muốn: Làm sao để bảo dưỡng đạt kết quả tốt nhất, hiệu quả cao nhất.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều kỹ sư, công nhân của BSR đã có hàng tháng trời “ăn tại công trường, ngủ tại công trường” bên những đường ống, trong những phân xưởng sản xuất.

Có lẽ, chính vì sự gắn bó, coi nhà máy là nhà và hết lòng với công việc nhà máy như chính việc gia đình nên kể từ khi thành lập đến nay, BSR đã luôn là điểm sáng của ngành dầu khí Việt Nam; không chỉ về lợi nhuận mà còn về những sáng kiến sáng tạo của các kỹ sư, công nhân lành nghề.

Vui vẻ thông tin về kết quả hoạt động của DN, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hội bảo, chỉ riêng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2017 của BSR đã tương đương với 85% lợi nhuận của cả năm 2016.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của BSR đạt hơn 61.300 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi triển khai dự án nâng cấp mở rộng.

Còn nếu đánh giá chung trong giai đoạn từ 2013-2016, cơ cấu tài sản của công ty thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng tài sản dài hạn, giảm tỷ trọng tài sản ngắn hạn. Phần lớn sự thay đổi này đến từ việc quy mô vốn lưu động sụt giảm do giá dầu thô nguyên liệu giảm mạnh.

Nợ vay cũng liên tục giảm xuống do trả dần các khoản nợ gốc vay dài hạn. Nếu như năm 2010, năm BSR tiếp nhận nhà máy, dư nợ vay lên đến 41.400 tỷ đồng, thì đến hết quý II/2017, nợ vay chỉ còn 13.600 tỷ đồng.

“Với việc nợ gốc vay dài hạn giảm dần đã làm giảm đáng kể chi phí lãi vay. Cụ thể: năm 2016, tổng lãi vay mà BSR phải chi trả là 605 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2011. Và trong 6 tháng đầu năm 2017, lãi vay giảm tiếp 18% so với cùng kỳ 2016”- Phó Tổng giám đốc Hội lý giải rõ thêm.

Chính nhờ kết quả này mà các chỉ số về thanh toán của BSR cũng đều nằm trong ngưỡng an toàn và có xu hướng tăng qua các năm cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ của Công ty ngày càng tốt.

Tính đến cuối quý II-2017, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của BSR đạt 15.179 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản. Lượng tiền lớn cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh giúp BSR đáp ứng nhu cầu trả nợ, đảm bảo khả năng thanh toán, đầu tư mở rộng sản xuất.

Điểm đáng mừng hơn, theo như chia sẻ của Phó Tổng giám đốc BSR đó là, cuối tháng 5/2017, Bộ Công thương đã chốt giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 đạt xấp xỉ 72.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD.

Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD)- đây là một điều kiện tốt để BSR được xem xét và sẽ được IPO vào cuối năm 2017.

Đợt bảo dưỡng tổng thế lần 3 rất thành công và hoàn thành trước kế hoạch.

Chế biến thành công 15 loại dầu thô

Lúc mới đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất (công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm) chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ. Sau 3 tháng tiếp nhận bàn giao nhà máy, tháng 8/2010, các kỹ sư của BSR - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - đã chế biến thử nghiệm thành công lô dầu thô nhập khẩu đầu tiên Azeri từ Azerbaijan, Địa Trung Hải.

Việc chế biến thành công lô dầu phối trộn đầu tiên này ghi nhận sự chủ động trong việc đánh giá loại dầu thô có thể chế biến nhằm đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung dầu thô cho NMLD Dung Quất.

Kể từ đó đến nay, những cái tên kỹ sư như các anh Cao Tuấn Sĩ, Đào Xuân Giỏi, Nguyễn Ngọc Thanh, Đặng Ngọc Đình Điệp đã trở thành những cái tên quen thuộc đóng góp vào những bước thành công của nhà máy.

Thách thức còn nhiều nhưng với đội ngũ kỹ sư, công nhân trẻ giỏi nghề, say việc hết lòng vì nhà máy và công ty, có lẽ với họ không gì là không thể vượt qua.

Các kỹ sư đang chuẩn bị hoàn tất những công đoạn cuối cùng trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3.

Trong danh sách 57 loại dầu đã được đánh giá có thể chế biến tại NMLD Dung Quất, có nhiều loại dầu có thể đạt tỷ lệ phối trộn trên 50% như Azeri (Azerbaijan); Qua Iboe , Escravos, Bonny Light (Nigeria); Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo (Việt Nam),...
Hơn nữa, với 57 loại dầu thô đáp ứng, sản lượng/tính sẵn có tăng lên gần 3 lần từ hơn 2,5 triệu thùng/ngày lên hơn 7 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung cũng như khả năng thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ.

Hiện tại, theo như Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hội, nhà máy đã chế biến thành công 15 loại dầu thô từ các khu vực khác nhau trên thế giới như: Azeri (Azerbaijan), Champion, SLEB (Brunei), Kikeh, Labuan, Miri (Malaysia), Kaji Semoga (Indonesia), NKossa (Congo), Amna (Libya), ESPO (Nga), Đại Hùng, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo, Thăng Long (Việt Nam). Trong đó, nhiều loại có tỷ lệ phối trộn cao lên tới 50 - 70% và có sản lượng lớn đáp ứng khả năng cung cấp cho NMLD Dung Quất trong dài hạn như dầu thô Azeri tỉ lệ phối trộn lên tới 70%.

Những loại dầu thô này đã được cung cấp cho NMLD Dung Quất theo các hợp đồng chuyến, hợp đồng dài hạn với tổng khối lượng cho tới nay khoảng 13,6 triệu tấn, góp phần đảm bảo khối lượng dầu thô cung cấp cho NMLD Dung Quất vận hành tại 105 - 107% công suất thiết kế mặc dù sản lượng dầu thô Bạch Hổ giảm.

Trong kế hoạch nâng cấp mở rộng, NMLD Dung Quất sẽ tiến hành xây dựng bổ sung các phân xưởng công nghệ để chế biến dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, sản lượng/tính sẵn có lớn hơn như Murban, ESPO, Arab Light… và sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng mức 5; xây dựng bổ sung bến phao SPM cách bến cũ 2 km về phía Bắc để có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 300 nghìn tấn.

Như vậy, nguồn cung dầu thô của NMLD Dung Quất sau nâng cấp mở rộng sẽ được mở rộng đáng kể so với hiện tại. Khi việc nâng cấp mở rộng dự kiến hoàn thành năm 2021, chất lượng sản phẩm xăng dầu của chúng tôi tự tin đáp ứng chỉ tiêu chất lượng mức 5, Phó Tổng giám đốc BSR tự hào nói.

M.Loan