Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Theo TTXVN 25/09/2017 16:15

Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các nước đang phát triển và kém phát triển, sẽ được triển khai trong 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2022, tại Việt Nam.

Sáng 25/9, tại TP HCM, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Quỹ Tín thác Australia đã khai mạc chuỗi sự kiện Khóa đào tạo nâng cao “Chuyển giao công nghệ thành công” và Hội nghị phỏng vấn các viện nghiên cứu, trường đại học trong khuôn khổ Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” của WIPO.

Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do WIPO hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các nước đang phát triển và kém phát triển, đã được triển khai tại một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ. Tại Việt Nam, Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2022.

Theo bà Olga Spasic, Cố vấn Văn phòng Hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa của WIPO, Việt Nam đang được xem là một “ngôi sao” mới nổi trong hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực và đã thể hiện được khá nhiều kết quả tốt. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp hoạt động này phát triển khá mạnh mẽ và ngày càng quy mô. Do vậy, Dự án của WIPO sẽ góp phần phát triển tài sản trí tuệ và thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ công nghệ của Việt Nam.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã kết nối được mạng lưới gồm 30 trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (TISC) trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong số 30 đơn vị này, có 20 viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký tham gia Dự án nói trên do WIPO hỗ trợ.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tập trung nguồn lực để mạng lưới TISC vận hành ổn định, giúp các trường đại học, viện nghiên cứu tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; đặc biệt chú trọng tăng số lượng sáng chế của Việt Nam. Số lượng sáng chế này cũng là một chỉ tiêu xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cần được cải thiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm nâng tầm hệ thống sở hữu trí tuệ với cơ chế bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích hoạt động sáng tạo, đổi mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao và phổ biến thành quả sáng tạo; phát huy vai trò làm công cụ phát triển kinh tế-xã hội của hệ thống sở hữu trí tuệ trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức.

Theo TTXVN