Đắk Lắk: Một trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản B
Ngày 25/9, Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột vừa ghi nhận một bệnh nhi tử vong do viêm não Nhật Bản B.
Bệnh nhân là cháu Y Phi BKrông, 6 tuổi, dân tộc Ê đê, trú ở buôn Mrê, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo hồ sơ, vào ngày 25/8, cháu Y Phi BKrông có biểu hiện sốt, đau đầu, co giật và được người nhà đưa đi khám tại một phòng khám tư nhân, tuy nhiên khi gia đình tự điều trị thì bệnh không thuyên giảm.
Ngày 26/8, cháu được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2mm, cổ cứng, mạch 120 lần/phút.
Kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, bệnh nhân dương tính với viêm não Nhật Bản B.
Theo kết quả điều tra véc tơ tại buôn Mrê, xã Hòa Phú, cơ quan chức năng ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex C.tritaeniorhynchus, C.Vishnui, C. Quinquefasciatus.
Trong khi đó, người nhà của bệnh nhân Y Phi BKrông cho biết cháu chưa được tiêm phòng vắc xin viên não Nhật Bản B.
Sau khi xác định cháu Y Phi BKrông tử vong do viêm não Nhật Bản B, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại gia đình nạn nhân và 60 hộ dân lân cận; điều tra tiêm vét vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ một đến 15 tuổi tại buôn Mrê.
Theo bác sỹ Phạm Văn Lào, bệnh viêm não Nhật Bản B thường xuất hiện vào mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Để phòng chống bệnh, người dân cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, mắc màn khi đi ngủ, tập trung khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc dễ bị muỗi đốt; nếu gia đình có chăn nuôi thì cần di dời chuồng gia súc ra xa nhà; khi phát hiện trong gia đình có người thân bị các triệu chứng như sốt, co giật cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.