Hiểu đúng về tự nguyện khó thế sao?
Cuộc tranh luận có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh hẳn sẽ chưa thể có hồi kết, khi vẫn còn đó những luồng ý kiến trái chiều. Thậm chí, sau khi công luận vào cuộc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có ý kiến về việc sẽ xem xét lại vai trò, chức năng của Hội phụ huynh, thì cuối tuần qua tại nhiều trường Tiểu học và THCS tại Hà Nội, sau cuộc họp phụ huynh, việc thu quỹ lớp vẫn diễn ra sôi nổi…
Đơn cử như tại một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, cuộc họp được giáo viên chủ nhiệm thông báo có tới 10 nội dung. Trong đó đáng chú ý nhất là việc xin ý kiến phụ huynh về việc đăng ký các hoạt động giáo dục trong nhà trường, gồm: Học 2 buổi/ngày; Tham gia chương trình tiếng Anh Bình Minh; Tham gia học kỹ năng sống sau giờ học chính khóa; Tham gia chương trình sổ liên lạc điện tử.
Cũng theo như thông báo của cô giáo, năm học này học phí cho những hoạt động trên sẽ tăng so với năm học trước. Riêng môn tiếng Anh, những học sinh không đăng ký học sẽ phải ra khỏi lớp. Vậy các em sẽ đi đâu? Nhiều phụ huynh băn khoăn… Cô giáo cho hay: Các em có thể sẽ lên thư viện nhà trường để đọc sách trong lúc chờ các bạn học...
Còn chuyện đóng quỹ tự nguyện, tại cuộc họp vừa kể ở trên, sau khi thu phiếu khảo sát các hoạt động ngoài giờ, cô giáo nhường thời gian còn lại cho việc kiện toàn Ban phụ huynh khóa mới. Tiết mục quan trọng nhất vẫn là đóng tiền.
Cộng dồn mười mấy khoản từ thuê người trực nhật, thuê người chăm sóc công trình măng non, tiền in sao phiếu bài tập, tiền lắp thêm quạt mát, tiền mua sắm máy chiếu… số tiền phải đóng lên tới ngót nghét 1 triệu đồng.
Hội trưởng Hội phụ huynh còn dặn dò: Số tiền chúng ta thu cao gấp nhiều lần so với quy định chung của quận (quỹ phụ huynh không được phép thu quá 200.000 đồng/kỳ/đầu học sinh), do đó yêu cầu các bố mẹ không được phát tán thông tin ra ngoài nhé!
Không phải cho đến năm học 2017- 2018, mà từ nhiều năm học qua, trước gánh nặng tiền trường đầu năm cả phụ huynh và các chuyên gia giáo dục đã lên tiếng rằng cần sớm sửa Thông tư 55 (ban hành năm 2011), cấm hẳn thu hội phí phụ huynh học sinh dưới mọi hình thức.
Điều 10 trong Thông tư 55 nêu rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Thông tư cũng nhấn mạnh: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
Có lẽ do cách hiểu chưa đúng về hai từ “tự nguyện” trong quy định tại Thông tư 55 mà nhiều năm rồi, mọi khoản thu tự nguyện đều gần như bị ép buộc; hầu hết các trường đang cố tình thu và hợp thức hóa theo Thông tư 55 nên tình trạng lạm thu tiền trường nhiều năm qua không những chẳng bớt “nóng”, mà nó đã bùng phát dữ dội vào đầu năm học này.
Vì vậy đại đa số phụ huynh cho rằng, rất không nên có cụm từ: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh”.
Việc sửa Thông tư và Điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh nên tiến hành càng sớm càng tốt, để mọi khoản thu tự nguyện kiểu ép buộc có thể sẽ chấm dứt ngay trong học kỳ II của năm học 2017- 2018.