Xóa bỏ nạn vòi vĩnh

Nam Việt 26/09/2017 08:05

Ngày 24/9, tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ, trước bức xúc của dân vì bị cán bộ công quyền gây khó dễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Nếu phát hiện cán bộ tiếp dân gây khó khăn, vòi vĩnh mới giải quyết thủ tục hành chính thì phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, theo ông Hải, về việc này người dân cũng phải nghiêm, không phải cứ thấy bị gây khó dễ là đưa tiền cốt cho xong việc.

Một biếm họa về thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ công quyền khi tiếp dân.

Việc cán bộ công quyền gây khó dễ để vòi vĩnh dân đã bị phê phán nhiều, nhưng tiếc thay đến nay điều đó vẫn chưa được cải thiện tuy rằng đã áp dụng việc phân cấp, phân quyền, tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả, thân thiện, văn minh và phục vụ người dân tốt hơn.

Nhắc lại vụ việc cán bộ tiếp dân phường Văn Miếu (quận Đống Đa) gây khó dễ khi người dân đến xin cấp giấy chứng tử cho người thân, ông Hải cho rằng từ vụ việc này lãnh đạo các xã/ phường... phải tự kiểm điểm lại xem có còn tình trạng người dân ra trụ sở làm thủ tục hành chính phải mất tiền mới được giải quyết hay không. Nếu còn tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải xử lý thật nghiêm. “Đến thời điểm này mà còn tình trạng vòi vĩnh như thế là không được phép”- ông Hải kiên quyết.

Việc cán bộ công quyền gây khó dễ để vòi vĩnh không chỉ có ở Hà Nội mà có thể nói là khá phổ biến ở nhiều địa phương. Thực sự thì những người được đảm nhiệm những vị trí công việc tiếp xúc, giải quyết vấn đề của dân đã quên đi nghĩa vụ công bộc của mình. Trái lại, họ tự đặt mình ở thế “trên dân”, thế ban phát chứ không phải ở thế phục vụ.

Đó là cách nghĩ rất đáng phê phán. Đó cũng là sự suy thoái đạo đức công vụ khi quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là công bộc của dân thì phải vì dân, kính dân, trọng dân. Và cũng thật đáng tiếc, những biểu hiện xa dân, trên dân ấy đôi khi lại rất khó bị xử lý vì... chứng cứ không rõ ràng. Chính cái điều “không rõ ràng ấy” đã khiến người thực thi công vụ dần thoái hóa, trượt sâu vào con đường quan liêu.

Thực sự thì trong xã hội vẫn có chuyện lý và đạo đức. “Lý” là áp vào những quy định của pháp luật xem sự đúng sai đến đâu, ở mức độ nào, sẽ bị xử ra sao. Việc đó khá rõ ràng. Nhưng có nhiều việc lại không thể hiện rõ ở “lý”, mà là chuyện đạo đức- có vẻ như mơ hồ, khó xử tuy rằng ai cũng biết đó là hành vi đáng bị lên án, đôi khi còn tệ hơn cả việc vi phạm về lý.

Ví dụ như việc cán bộ xã/phường “ngâm” hồ sơ xin một việc gì đó của dân, nếu có bị phản ánh thì cũng lại viện ra đủ lý do này lý do khác biện minh cho việc chậm trễ. Cuối cùng là hòa cả làng, cán bộ không mắc lỗi chỉ có người dân là ngậm ngùi bực bội.

Cổ nhân dạy rằng “dễ người dễ ta, khó người khó ta”, đó cũng là một nguyên lý sống của người Việt, cốt để nhắc nhở mọi người rằng không nên làm khó người khác, hãy coi họ như chính mình, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hành xử. Chính cách hành xử văn hóa ấy giúp xã hội tự giải tỏa được những căng thẳng, bức bối.

Nhưng rồi theo thời gian, xã hội phát triển đi cùng những sự phức tạp nảy sinh, sự ứng xử trong quan hệ người - người cũng không đơn giản được nữa, và thế là nảy sinh việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm khó người khác. Loại trừ việc có người “thích” làm khó người khác như thể mang bệnh, thì đa số người chủ tâm gây khó dễ là để vòi vĩnh, kiếm chác.

Liên quan đến việc này, trở lại thời điểm năm 2015, trong Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), những con số và luận điểm đưa ra khiến nhiều người giật mình lo lắng. Xin trích nguyên văn: “Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới 24 triệu đồng”.

Báo cáo cũng cho rằng, chẳng hạn như ở Hà Nội, chỉ có khoảng 14% số người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước. Và cũng chỉ khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh tố cáo hành vi này.

Xã hội rất chú ý đến việc phát hiện và xử lý những vụ tham nhũng lớn, thường được gọi là những đại án kinh tế, nhưng lại quên một thực tế rất nhức nhối- đó là tệ tham nhũng vặt. Tham nhũng vặt là ở những cán bộ công quyền cấp thấp, những người trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với dân. Tuy vặt vãnh nhưng lại phổ biến nên khiến người dân khi đến “cửa quan” đều thấy lo lắng, sợ và ngại mỗi khi phải đi làm giấy tờ liên quan đến cơ quan công quyền. Chính vì thái độ ngại và sợ đó đã dẫn đến việc chạy chọt, đút lót cho xong việc.

Nói là “cho xong việc” là bởi chạy chọt có khi là để người có quyền bỏ qua cho mình một vi phạm nào đó; hoặc là dùng tiền để “bôi trơn” với mong muốn có được giấy tờ cần thiết một cách nhanh gọn. Không ít cán bộ công quyền đã nhanh chóng nắm bắt và lợi dụng, tận dụng tâm lý này của người dân để vòi vĩnh, kiếm chác.

Ngán ngẩm trước hành vi “tham nhũng vặt”, có người đã cho rằng thói quen “đút tiền - ăn tiền” đã ăn quá sâu vào tâm thức, hành động của nhiều người Việt, khi cho rằng “lợi cả đôi đằng”, “hai bên cùng có lợi”, mặc cho kỷ cương phép nước bị xem nhẹ.
Nhưng, nguồn gốc của vấn đề không phải tại dân muốn đút lót mà chính là từ thái độ vòi vĩnh, lợi dụng chức vụ của người thi hành công vụ hòng kiếm lợi riêng. Nếu không nhận rõ nguồn cơn mà lại chia lỗi cho hai bên thì sẽ không thể giải quyết được vấn nạn làm băng hoại đạo đức xã hội. Trước hết phải từ phía người có quyền, sau đó mới đến thái độ của dân. Không ai lại dại dột gì tự nhiên đem tiền đi đút lót, nếu không bị người “trấn cửa” phát đi thông tin không có tiền không xong.

Trở lại thái độ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, đã đến lúc phải xử lý nghiêm và ngay những cán bộ làm khó dân để vòi vĩnh. Bởi nếu không làm điều đó thì trong một xã hội ai cũng muốn mua sự yên tâm, chắc ăn bằng tiền mà không phải bằng năng lực, bằng lẽ phải thì sẽ triệt tiêu động lực phát triển. Cái vòng luẩn quẩn “vòi vĩnh - bôi trơn” cần phải được phá bỏ để cho người dân mỗi khi có việc phải đến “cửa quan” sẽ không còn phải nơm nớp lo sợ bị phiền hà, sách nhiễu.

Xin nhắc lại, tại phiên họp đầu tiên ngay sau khi Chính phủ được Quốc hội kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chính phủ chúng ta không để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu tràn lan trong xã hội. Điều chúng ta hoàn toàn làm được là sức mạnh của chúng ta, đó là kỷ cương phép nước ở cơ quan hành chính và trong nhân dân”.

Nam Việt