Vi phạm xây dựng như bom nổ chậm
Ngày 25/9, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2017. Tại Hội nghị, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Quy định phối kết hợp trong thanh kiểm tra hoạt động xây dựng hiện nay có bất cập, có đùn đẩy trách nhiệm. Trường hợp sơ hở trong quản lý, vi phạm xây dựng giống như quả bom nổ chậm, không biết nổ khi nào.
Báo cáo về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng TP thông tin, lĩnh vực xây dựng còn tồn tại nhiều vi phạm. Đối với nhà riêng lẻ, vi phạm xây dựng chiếm 2-3%, nhà cao tầng vi phạm nhiều hơn, chiếm 10% so với công trình cấp phép. 145 nhà cao tầng đang thi công có 15 công trình vi phạm.
Tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương như: Quận 7, Quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Dựa trên tình hình thực tế về hoạt động xây dựng trên địa bàn TP, ông Trần Trọng Tuấn dự báo, tình trạng vi phạm hoạt động xây dựng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt đối với các công trình nhà cao tầng.
Theo UBND TP HCM, 9 tháng đầu năm 2017 TP đã cấp 38.242 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng 13.154.605,41 m2. Qua kiểm tra phát hiện nhiều đơn vị vi phạm xây dựng. Tổ chức kiểm tra 51.557 lượt công trình xây dựng (so với cùng kỳ tăng 35,6%), đã phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, chiếm tỷ lệ 3,1% trên tổng số lượt kiểm tra (so với cùng kỳ tăng 24%).
Trong đó, xây dựng không phép 830/1.595 trường hợp (so với cùng kỳ tăng 35,6%); công trình sai phép là 557/1.595 trường hợp (so với cùng kỳ tăng 15,1%). Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà cao tầng, Sở Xây dựng đang lên kế hoạch đưa lực lượng thanh tra sở về lại các quận – huyện để đảm bảo công tác quản lý hoạt động xây dựng.
Ngoài vi phạm quy định trong hoạt động xây dựng đối với nhà cao tầng, tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư, ban quản trị chung cư và cư dân trong các chung cư diễn biến phức tạp. Tỷ lệ mâu thuẫn chiếm 8 – 10%. Theo đó tranh chấp chủ yếu về phí quản lý và vận hành.
“Đơn cử, có dự án kinh phí quản lý, vận hành chỉ 5 – 10 tỷ đồng nhưng cũng có chung cư tổng kinh phí này lên đến 30 – 70 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Sở Xây dựng cho rằng, Nghị định 90 (hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở) giao khá nhiều quyền cho chủ đầu tư. Trong khi đó, quyền quản lý nhà nước của Sở và quận – huyện lại bị hạn chế. Ngoài lý do trên, phần sở hữu riêng – chung chưa quy định rõ ràng cũng gây ra nhưng tranh chấp không đáng có, xử lý chưa dứt điểm. Tình trạng tranh chấp chung cư đang tập trung chủ yếu ở quận Tân Bình và Tân Phú.
Liên quan đến vấn đề mâu thuẫn lợi ích phát sinh ở chung cư, đại diện lãnh đạo Quận 7 cho hay, tranh chấp ở các chung cư diễn ra khá phức tạp. Bao giờ trách nhiệm về chung cư cũng thuộc nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ giao 2% tổng giá trị dự án cho ban quản trị chung cư phục vụ cho hoạt động quản lý, vận hành rồi “phủi” hết trách nhiệm là không đúng vì thiết kế, an toàn, giám sát đều do chủ đầu tư thực hiện.
Mong muốn hạn chế tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn TP, Sở Xây dựng cho hay, thời gian tới sẽ phân loại tranh chấp chung cư để xử lý. Song song đó, Sở sẽ tiến hành tập huấn cho các Ban Quản trị cũng như đơn vị vận hành chung cư do năng lực của các đơn vị này chưa đạt hoặc các đơn vị chưa nhận thức đúng quy định của pháp luật.