Trường công, trường tư và nỗi khổ của phụ huynh
Trường công thì lạm thu, học thêm, dạy thêm; trường ngoài công lập thì thu học phí cao… chọn trường nào phụ huynh, học sinh cũng khổ.
Học sinh một trường ngoài công lập (ảnh minh họa).
Một ngôi trường ngoài công lập có tiếng thông báo tăng học phí khiến hàng nghìn phụ huynh bức xúc, bất ngờ; một phụ huynh tố những “góc tối” phía sau cánh cổng trường tư thục mà con chị đã phải trải qua; những khoản lạm thu đầu năm học mới khiến hàng triệu phụ huynh các trường công lập phản ứng gay gắt, phẫn nộ… đến mức có ý kiến đòi giải tán Ban phụ huynh, vì họ cho rằng Ban này là “cánh tay nối dài của Hiệu trưởng”…
Một thời gian nữa, chỉ cần giữa học kỳ 1 sẽ lại là chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan khiến phụ huynh bức xúc; trẻ em thì quá tải không có thời gian vui chơi, giải trí… Câu chuyện về trường lớp chưa bao giờ hết nóng ở Việt Nam. Xem ra, phụ huynh là người chịu nhiều áp lực, căng thẳng, vất vả nhất trong bất kỳ tình huống nào.
Phải thừa nhận, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục thời gian qua đã tạo động lực mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhiều mô hình trường ngoài công lập với những ưu điểm vượt trội, có chất lượng tốt được phụ huynh, học sinh, xã hội ghi nhận và chọn lựa ngày một tăng, góp phần giảm tải cho các trường công lập.
Thế nhưng, không hẳn ra đến trường ngoài công lập là hết bức xúc. Các con không phải chịu áp lực về dạy thêm, học thêm nhưng tư duy giáo dục công lập trong cách ứng xử với học trò có khi vẫn hiện rõ ở nhiều thầy cô trong các trường tư thục. Và cha mẹ thì lại phải chịu áp lực tài chính, vì học phí cao.
Giáo dục công lập và ngoài công lập là hai bộ phận hữu cơ của nền giáo dục quốc dân. Hoạt động của các trường ngoài công lập dựa vào các nhà đầu tư và sự đóng góp của phụ huynh theo cơ chế xã hội hóa giáo dục. Chính vì thế, học sinh tư thục phải đóng học phí cao hơn so với học sinh trường công lập. Dựa vào đặc điểm này, nhiều trường đã tăng học phí vô tội vạ, khiến phụ huynh bức xúc.
Điều khiến nhiều người bất an là việc tăng học phí thường thực hiện mang tính “ngẫu hứng" khiến các phụ huynh luôn trong thế bị động, không lượng được sức mình khi cho con theo học. Cụ thể, mức tăng học phí cần có lộ trình theo giai đoạn, như tiểu học 5 năm, trung học cơ sở 4 năm và trung học phổ thông là 3 năm. Công khai như vậy để các phụ huynh biết nguồn lực tài chính của mình chịu được đến đâu, “liệu cơm gắp mắm” để chọn trường cho con.
Các qui định về pháp luật cũng cần lưu ý cả vấn đề này để đảm bảo môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, phát triển.
Nhiều người bảo, chuyện chọn trường, chọn lớp cho con hiện nay giống như phụ huynh đang đặt cược vào một canh bạc bằng chính những đứa con của mình. Khi quyết định chọn trường tư, nhiều gia đình chỉ muốn chạy trốn khỏi “nỗi khổ học thêm” ở các trường công lập. Khi đó, mỗi gia đình phải xác định một nền tảng tài chính lớn hơn; nếu xảy ra rủi ro về tài chính con họ phải chuyển trường thì gần như không có lựa chọn nào an toàn hơn vì “đường về trường công” đã gần như bị rào kín.