Xem xét lại đề xuất ‘bán’ dự án để lấy tiền đầu tư
Với việc Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Cửu Long (CIPM) “ốc không mang nổi mình ốc”, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét không đưa việc để VEC, CIPM huy động nguồn lực để đầu tư cao tốc Bắc Nam vào tờ trình Quốc hội.
Ảnh minh họa (Ảnh: TTO).
Bộ GT-VT chịu trách nhiệm về đề xuất mức giá cho cao tốc Bắc-Nam
Tại văn bản góp ý mới đây về dự án này, bên cạnh việc bày tỏ thống nhất với một số nội dung bổ sung, giải trình làm rõ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong dự thảo Tờ trình của Chính phủ kèm theo công văn số 9496 (ngày 21/8/2017) trên cơ sở tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng bày tỏ một số ý kiến khác.
Thứ nhất, về mức giá sử dụng đường bộ, trong nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đều đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận cơ chế “xác định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hợp đồng dự án, mức giá đã quy định trong hợp đồng là không thay đổi”.
Theo Bộ GTVT, xác định được yếu tố này mới ra được tổng mức đầu tư để đấu giá. Tuy nhiên, tại các văn bản tham gia ý kiến về dự án, Bộ Tài chính đã có ý kiến đề nghị không đưa nội dung trên vào báo cáo Quốc hội, do “quy định chưa phù hợp với thẩm quyền và hình thức giá sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh tại Nghị định số 149/2016 của Chính phủ” và “không phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước đã áp dụng chung cho tất cả hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá”.
Dù vậy, tại Tờ trình số 244 ngày 30/5/2017 về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam, Chính phủ đã đưa nội dung trên vào báo cáo và đề nghị Quốc hội chấp thuận. Vì vậy, Bộ Tài chính đã “đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về nội dung đề xuất mức giá sử dụng đường bộ áp dụng với dự án như trên”.
Để VEC và CIPM huy động nguồn lực đầu tư cao tốc Bắc-Nam là khó khả thi
Liên quan đến phương án phân kỳ đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư, phương án xử lý trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Bộ Tài chính cũng còn một số quan điểm khác.
Cụ thể, dự thảo tờ trình chia dự án thành 20 dự án thành phần, trong đó giai đoạn 2017 – 2020 sẽ thực hiện 11 dự án (8 dự án theo hình thức BOT, 3 dự án đầu tư công), giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện 9 dự án, sau năm 2025 đầu tư mở rộng tuyến cao tốc theo quy mô phù hợp với quy hoạch và thực hiện đầu tư đoạn Cần Thơ – Cà Mau.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là chưa thể khẳng định ngay sẽ thành công. Bộ GTVT đưa ra dẫn chứng: Đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch... thất bại. Do đó, Bộ này kiến nghị:
Trong trường hợp đấu thầu không thành công, vẫn thực hiện giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, nhà nước sẽ đầu tư một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách thuộc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức đầu tư công bằng phần vốn trái phiếu Chính phủ còn lại (41.972 tỷ đồng).
Sau khi đầu tư xong, sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và nhượng quyền vận hành, khai thác, nôm na là “bán” dự án để lấy tiền đầu tư các đoạn tiếp theo.
Bộ GTVT cũng đề xuất cơ chế giao Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Cửu Long (CIPM) là các Tổng công ty 100% vốn nhà nước huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần.
Theo Bộ Tài chính, phương án như vậy “không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai, thực hiện dự án”. “Mặt khác, tại thời điểm hiện nay, năng lực tài chính của VEC và CIPM còn rất hạn chế (ngân sách nhà nước vẫn đang phải tạm ứng để trả nợ các khoản vay đến hạn của các dự án do VEC làm chủ đầu tư, một số khoản vay đang phải chuyển sang cấp phát do VEC không có khả năng trả nợ.
Trong khi đó, CIPM vẫn đang thực hiện chủ yếu theo hình thức giao quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước), vì vậy, việc giao cho VEC và CIPM huy động nguồn lực để đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam là khó khả thi” - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Hiện dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa được bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 4 để Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chờ sau Hội nghị Trung ương 6 và dựa trên kết quả chuẩn bị của Chính phủ, Thường vụ sẽ cho ý kiến để bổ sung vào chương trình nếu đủ điều kiện.