Mê hồn trận thực phẩm chức năng online
Chưa bao giờ việc mua bán các loại thực phẩm chức năng (TPCN) lại dễ dàng như hiện nay. Nào là các sản phẩm giúp tăng cường sinh lực, sản phẩm làm đẹp… được quảng cáo như thần dược, hay vitamin tăng chiều cao chỉ sau vài tuần sử dụng, hỗ trợ đau xương khớp…
Chỉ với vài cú click chuột, người tiêu dùng đã có thể tìm thấy hàng loạt những sản phẩm kể trên với đủ các loại xuất xứ như Anh, Đức, Nhật, Mỹ…
Ảnh minh họa.
Rước họa từ cả tin quảng cáo
Chị N.T.H. – một người tiêu dùng tại Hà Nội tâm sự, thời gian qua chị có đặt mua trà thải độc qua mạng với giá 500.000 đồng/hộp- mà theo người bán, đó là liệu trình được nhập trực tiếp từ Nhật Bản.
Sau khi tìm hiểu nhiều hơn về các mặt hàng này qua mạng, chị H. phát hiện, cùng mặt hàng mà chị đã mua, ở quảng cáo của những nhà cung cấp khác nhau lại có xuất xứ khác nhau, và đương nhiên, giá cả cũng khác nhau.
Giải thích về mức giá khác nhau, nơi bán giá cao cho rằng sản phẩm của họ mới là hàng “xịn”, còn nơi bán giá thấp thì cho biết nhập được nguồn rẻ, hoặc khuyến mãi…
Sản phẩm nào người bán cũng cam kết hàng chính hãng nổi tiếng, do người nhà đang sống, học tập, làm việc ở nước ngoài, hoặc các mối hàng chuyên đánh về.
Tuy nhiên, sản phẩm có thực sự của các hãng dược nổi tiếng, thành phần, tác dụng có như quảng cáo không vẫn là điều khó kiểm chứng...
Sở dĩ có tình trạng loạn giá, theo ông Nguyễn Thanh Phong- cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng bởi lợi nhuận. nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng TPCN rất lớn nên đã cố tình sản xuất TPCN giả, nhập khẩu TPCN từ Trung Quốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Úc…
Còn theo các bác sĩ tại BV Bạch Mai và BV Ung bướu Hà Nội, có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị chỉ vì quá tin tưởng vào những công dụng của TPCN.
Họ đang tự hủy hoại sức khỏe của bản thân mà không hay biết. Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch... đang được điều trị tại các bệnh viện, nhưng khi nghe những lời quảng cáo “có cánh” họ đã bỏ thuốc để chuyển sang dùng TPCN khiến bệnh thêm trầm trọng.
Không ít loại TPCN có thành phần, hoạt chất giống như thuốc, vì thế nếu người dân tự ý sử dụng, lạm dụng mà không có chỉ dẫn của cán bộ y tế thì hậu quả rất khôn lường, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Theo quy định về quản lý TPCN tại Thông tư 43/2014/TT-BYT, các TPCN dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Cục ATTP (Bộ Y tế) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Để được phân phối TPCN nhập khẩu, cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Ngoài ra, yêu cầu ghi nhãn mác hàng hóa đối với TPCN cũng chặt chẽ, phải bằng tiếng Việt với các thông tin về tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, đơn vị nhập khẩu và phân phối... Phải ghi rõ khuyến cáo “Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Khó xử lý?
Về việc siết bán hàng thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Việt Cường- chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, TPCN xách tay chưa qua cơ quan chức năng trong nước kiểm tra, kiểm soát, chứng nhận hợp quy là nguồn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Khi bị phát hiện, ngoài việc xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP thì còn buộc phải thu hồi, tiêu hủy.
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, việc quảng cáo và bán thực phẩm chức năng trên trang facebook cá nhân khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc tìm đủ căn cứ để chứng minh chủ tài khoản facebook thực hiện buôn bán thực phẩm chức năng xách tay không hề đơn giản.
Cũng về vấn đề này, Đại diện Ban chỉ đạo 398 Quốc gia cho biết, do hiện tại chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội (facebook, zalo, Instagram…) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh online là rất khó khăn, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ về mạng xã hội và thông tin như hiện nay.