Bà Yingluck bị tòa tuyên án 5 năm tù giam
Nữ Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ, bà Yingluck Shinawatra, đã nhận được bản án 5 năm tù giam trong hôm 27/9, sau khi tòa án cấp cao nhất của nước này kết luận rằng bà phạm tội tắc trách trong việc quản lý chương trình trợ giá lúa gạo, nhân tố chủ chốt từng giúp bà chiến thắng trong bầu cử.
Một người ủng hộ cầm chiếc quạt in hình bà Yingluck trong lúc chờ tòa tuyên án hôm 27/9 (Nguồn: Reuters).
Tuyên án vắng mặt
Bà Yingluck, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã bỏ trốn ra nước ngoài vào hồi tháng trước do lo ngại về chính quyền quân sự được thành lập sau cuộc đảo chính diễn ra năm 2014, từng được dự đoán sẽ đối mặt với bản án khắc nghiệt hơn.
Trong suốt hơn một thập kỷ, chính trường Thái Lan đã bị thống trị bởi một cuộc tranh giành quyền lực giữa một bên là các chính trị gia truyền thống đầy quyền lực, trong đó gồm quân đội và tầng lớp thượng lưu ở Bangkok, và một bên là gia tộc Shinawatra, trong đó có cả ông Thaksin, người cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.
Bà Yingluck từng phải đối mặt với bản án 10 năm tù giam vì cáo buộc tắc trách trong chương trình trợ giá lúa gạo vốn giúp bà đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Bản thân bà khẳng định mình vô tội và cáo buộc chính phủ quân sự khủng bố bà về mặt chính trị.
Hôm 27/9, chín vị thẩm phán của Tòa án Tối cao đã có cuộc bỏ phiếu và nhất trí thông qua kết luận buộc tội bà Yingluck trong bản tuyên án kéo dài tới 4 giờ đồng hồ, cùng một lệnh bắt giữ bà.
Tòa tối cao nói rằng bà Yingluck đã biết về việc chính quyền bà làm sai trong chương trình trợ giá lúa gạo nhưng lại không làm gì để ngăn chặn điều đó.
"Bị cáo đã biết về hợp đồng lúa gạo là phi pháp nhưng không ngăn chặn nó" - Tòa án tối cao nói trong một tuyên bố - "Đó là hành động thu lợi một cách phi pháp. Bởi vậy, hành động của bị cáo bị xem là tắc trách".
Trước đó, một vị Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ của bà đã bị tuyên án 42 năm tù giam hồi tháng trước vì sai trái trong chương trình lúa gạo này. Ông Norrawit Larlaeng, một luật sư của bà Yingluck, nói trước báo giới bên ngoài tòa án rằng ông đang cân nhắc về khả năng kháng án.
Gia tộc Shinawatra
Gia tộc Shinawatra từng huy động sự ủng hộ rộng lớn từ giới cử tri vùng nông thôn để giúp họ giành mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, nhưng các đối thủ của họ cáo buộc họ tham nhũng và theo chủ nghĩa gia đình trị.
Các thành viên gia tộc Shinawatra giành được sự ủng hộ một cách trung thành của tầng lớp người nghèo ở nông thôn và cả thành thị Thái Lan bằng các chương trình thúc đẩy an sinh xã hội đáng chú ý, trong một quốc gia có tỷ lệ bất cân bằng thu nhập cao. Nhưng sự trỗi dậy của gia tộc này đã khiến giới tướng lĩnh quân đội không hài lòng, và thường xuyên lật đổ chính phủ dân cử của họ bằng các cuộc đảo chính hoặc phán quyết từ tòa án.
Sự sụp đổ của bà Yingluck đều xoay xung quanh một chương trình mà trong đó chính phủ của bà mua lúa gạo từ những hộ nông dân với cao gần gấp đôi giá thị trường. Chương trình này hết sức được hoan nghênh ở các khu vực trồng lúa của Thái Lan, nhưng lại bị giới phê bình cho là hao tổn tiền của.
Theo chính quyền quân sự hiện nay, số tiền thất thu do chương trình lúa gạo này gây ra đã lên tới 8 tỷ USD.
Khi được tiếp xúc bởi các hãng thông tấn, 3 thành viên trong đảng Puea Thai của bà Yingluck đã từ chối đưa ra bình luận về bản án 5 năm tù giam mà tòa tối cao đưa ra.
Trong khi đó, hàng chục người ủng hộ bà Yingluck đã tụ tập bên ngoài tòa án để nghe bản án này. Tuy nhiên số người ủng hộ xuất hiện ít hơn nhiều so với hôm 25/8, khi tòa dự kiến đưa ra bản án, trong lúc bà Yingluck không xuất hiện.
Nơi trốn của bà Yingluck
Bà Yingluck, 50 tuổi, phần lớn được cho là đã bỏ trốn tới Dubai, nơi mà người anh trai tỷ phú của bà đang sống lưu vong để tránh bản án tham nhũng năm 2008.
Cả bà Yingluck và ông Thaksin đều không bình luận công khai sau khi bản án mới nhất được đưa ra. Người ta cũng không nghe tin tức gì về bà Yingluck kể từ khi bà trốn khỏi Thái Lan, và một trong những luật sư của bà, ông Sommai Koosap, nói với hãng tin Reuters rằng họ vẫn không thể liên lạc được với bà.
Chính quyền Thái Lan cũng bác bỏ thông tin cho rằng họ đã biết trước kế hoạch bỏ trốn của bà Yingluck, nhưng nhiều người không bị thuyết phục bởi điều này do thực tế là mạng lưới an ninh của chính phủ hết sức chặt chẽ. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng bà Yingluck có khả năng đã có một thỏa thuận với giới lãnh đạo quân sự.
Trước khi tòa án tối cao đưa ra bản án này, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố rằng ông biết nơi ở của bà Yingluck nhưng không muốn công khai trước khi tòa tuyên án.
Chính quyền Thái Lan hiện đang tiếp tục điều tra về việc bà Yingluck bỏ trốn, trong đó đã thẩm vấn 3 vị sỹ quan cảnh sát từng thừa nhận đã giúp bà trốn thoát.