Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Đức Tuân 28/09/2017 10:00

Nhận thức rõ việc trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) có ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập của trẻ ở lớp một và những năm học tiếp theo, vì vậy các địa phương đang tìm những giải pháp cụ thể để tăng cường dạy tiếng Việt ngay từ bậc học mầm non.


Tháo gỡ rào cản, giúp trẻ em người dân tộc thiểu số tự tin đến trường


Gỡ rào cản về mặt ngôn ngữ
Ngọc Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La (tỉnh Sơn La), nhưng công tác giáo dục luôn được chú trọng. Xã có hai trường mầm non, hai trường tiểu học và một trường THCS với gần 1.500 học sinh, chủ yếu là con em các dân tộc Thái, Mông, La Ha. Năm trường học trên địa bàn có đến 18 điểm trường lẻ.

Tại điểm trường bản Lập Nghiệp, một trong năm điểm trường của Trường tiểu học Ngọc Chiến B có bốn lớp (từ lớp một đến lớp bốn) với gần 60 học sinh. Trò chuyện với cô giáo Lò Tố Vân, được biết trước kia chưa có lớp mẫu giáo, các bé vào lớp một, học tiểu học phát âm, viết chữ gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp trẻ học tốt môn tiếng Việt, các cô giáo phải sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của trẻ, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để làm hình ảnh minh họa sinh động, thông qua các tiết kể chuyện bằng tiếng Việt. Qua những tiết học như vậy, trẻ hứng thú hơn với việc học tiếng Việt, tự tin giao tiếp với cô giáo và các bạn trong lớp.

Những khó khăn mà Sơn La gặp phải cũng là thực trạng chung ở các tỉnh có nhiều dân tộc chung sống như Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Yên... Trẻ em người DTTS thường nói tiếng mẹ đẻ tại gia đình, khi đến trường, cô giáo nói tiếng phổ thông, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng phổ thông. Đây là khó khăn rất lớn đối với cả giáo viên và học sinh, cũng như việc bảo đảm chất lượng chương trình giáo dục mầm non.

Rào cản về mặt ngôn ngữ khiến trẻ nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục. Còn đối với học sinh tiểu học, khi vào lớp một, vốn tiếng Việt ít, trẻ chỉ có khả năng nghe, nói được những câu ngắn, đơn giản cho nên việc học tập cũng như tham gia hoạt động ở lớp, ở trường rất hạn chế. Trong quá trình học tập, nhất là với học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh học khó nhớ, hay phát âm sai hoặc thiếu thanh điệu dẫn đến viết sai chính tả, một bộ phận học sinh đọc còn phải đánh vần. Chưa kể, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi phải dạy lớp ghép học sinh thuộc nhiều dân tộc, với nhiều độ tuổi, một bộ phận giáo viên chưa hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương để giao tiếp, chăm sóc, giáo dục trẻ. Do đó, chưa bảo đảm các điều kiện về diện tích, nhà vệ sinh, chưa xây dựng được môi trường giáo dục, môi trường sư phạm theo quy định. Những hạn chế này là nguyên nhân dẫn đến trẻ mầm non không thích ra lớp, học sinh tiểu học vùng DTTS khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ở những cấp học tiếp theo tăng cao.

Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố có đông trẻ em là người DTTS. Có 4.862 trường mầm non có trẻ em người DTTS (chiếm 34% tổng số trường mầm non trên toàn quốc), thu hút gần 830 nghìn trẻ em mầm non người DTTS ra lớp. Tổng số 6.748 trường tiểu học có học sinh DTTS (chiếm tỷ lệ 75% tổng số trường), thu hút hơn 1 triệu 230 nghìn em là người DTTS ra lớp, chiếm tỷ lệ 35% tổng số học sinh tiểu học đến trường.

Chủ động tháo gỡ khó khăn
Nhằm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, đầu năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, trường học đã có những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh.
Cô giáo Vũ Thị Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo N’Thol Hạ, xã N’Thôl Hạ, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cho hay: Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp một, nhà trường xây dựng các góc thư viện trong lớp, thiết kế thư viện ngoài trời, để trẻ làm quen với chữ viết và đọc sách. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp các già làng, trưởng bản phổ biến các hoạt động cộng đồng bằng tiếng Việt để trẻ được tạo điều kiện giao tiếp bằng tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, kỹ năng nói và vốn từ tiếng Việt của trẻ đã được cải thiện rõ rệt.
Xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng (Bình Phước) là địa phương có đông đồng bào các dân tộc thiểu sinh sống như S’tiêng, Tày, Nùng... Trong thời gian qua, do nhận thức còn nhiều hạn chế, kinh tế khó khăn nên việc đưa con em đến trường khi vào lớp 1 chưa được quan tâm dẫn đến chất lượng học tập không cao. Trước tình hình trên, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, thuộc xã Nghĩa Bình đã vận động, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh đưa con em đến trường tham gia lớp học Chương trình tăng cường tiếng Việt dành cho các em ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Hè năm nay, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức đã thu hút 110 học sinh đến học, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Việc thực hiện dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học DTTS được phòng GD và ĐT huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) quan tâm ngay từ bậc mầm non, bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể như vận động trẻ ra trường lớp từ khi ba, bốn tuổi; tổ chức lớp học bán trú với nhiều hình thức linh hoạt (như tổ chức bán trú dân nuôi, nhà trường nấu và đưa cơm đi các điểm lẻ…) để duy trì chuyên cần của trẻ. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường chữ viết bằng tiếng Việt phong phú, đa dạng trong các lớp mầm non. Các góc hoạt động, giá, kệ để đồ chơi, đồ dùng, học liệu, sản phẩm của trẻ trong các chủ đề, cây xanh, cây cảnh… đều được gắn tên và chữ phù hợp. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp đạt 75%, trong đó trẻ DTTS năm tuổi ra lớp 99,6%.
Từ năm 2009, để góp phần khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ của học sinh khi đến trường, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam đã thực hiện chương trình Bà mẹ trợ giảng (BMTG) tại hai huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Là mô hình dạy trẻ mẫu giáo DTTS học tiếng Việt thông qua cầu nối tiếng mẹ đẻ, dưới sự hỗ trợ của những “bà mẹ”, trẻ được giải thích kiến thức mới của bài học, có cơ hội trao đổi suy nghĩ, nhận thức về môi trường chung quanh bằng tiếng mẹ đẻ. Từ đó, trẻ sẽ học được tiếng Việt một cách hiệu quả. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Tủa Chùa Nguyễn Hồng Sơn nhận định: Sự có mặt của sáu BMTG ở bốn xã Mường Báng, Tủa Thàng, Sính Phình, Xá Nhè đã cải thiện đáng kể việc dạy và học tiếng Việt ở các trường mầm non, tiểu học vùng cao. Theo Phó Vụ trưởng GDMN, Bộ GD và ĐT Nguyễn Thị Hiếu, để nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS, đối với giáo dục mầm non, Bộ GD và ĐT đã xây dựng, ban hành một số tài liệu hỗ trợ giáo viên chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, chú trọng xây dựng môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt, nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một. Hiện tại, Bộ GD và ĐT đang phối hợp các chuyên gia, các trường sư phạm và địa phương xây dựng tài liệu hướng dẫn tăng cường tiếng Việt dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán ở tất cả các tỉnh, thành phố có trẻ em người DTTS trên cả nước và nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ, nhằm hỗ trợ về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt.

Đức Tuân