Cuốn hút Hà Giang

Phong Sơn - Thái Vĩnh 28/09/2017 09:00

Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc vốn có thế mạnh đặc biệt về tiềm năng du lịch, có vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch cả nước. Sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch của Hà Giang đã trở thành điều kiện quan trọng để địa phương xây dựng, hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc thù và đang thu hút khách du lịch như: Bản sắc độc đáo của 19 dân tộc; hệ thống danh thắng, cảnh quan kỳ vĩ, tiêu biểu là cao nguyên đá Đồng Văn, di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…

1. Thống kê của ngành du lịch Hà Giang cho thấy, năm 2016, Hà Giang đã thu hút hơn 900.000 lượt khách tham quan, trong đó có 180.000 lượt khách quốc tế, tăng 13% so với năm 2015. Trong 8 tháng đầu năm 2017, Hà Giang thu hút khoảng 700.000 lượt khách, 100.000 lượt khách quốc tế, tăng 12% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, du lịch Hà Giang hiện vẫn còn có những hạn chế và bất cập nhất định: Số lượng dự án được triển khai và đi vào hoạt động còn ít; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu; nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ… Do vậy, du lịch Hà Giang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Mới đây, UBND tỉnh Hà Giang và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề “Hùng vĩ Hà Giang”. Thông qua các hoạt động xúc tiến, mục tiêu của Hà Giang là đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ phát triển nhanh, bền vững; khai thác có hiệu quả các điểm du lịch, đầu tư các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đưa Hà Giang thành điểm đến hấp dẫn có thương hiệu.


Hoàng hôn trên đỉnh Chiêu Lầu Thi

2.Nhưng để du lịch Hà Giang phát triển, hấp dẫn du khách hơn nữa cần phải có sự đổi mới liên tục và quyết liệt. Những địa danh du lịch nổi tiếng của Hà Giang như cổng trời Quản Bạ, động Én, cột cờ Lũng Cú, dinh vua Mèo, phố cổ Đồng Văn…rất nổi tiếng, nhưng có thể đã không còn mới lạ với những người đã đem lòng yêu mến Hà Giang. Vì thế, bên cạnh những địa danh cũ, cần có thêm những tour mới để thu hút khách trở lại.

Ý thức điều đó, mới đây Sở VHTT&DL Hà Giang đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó có 4 sản phẩm đặc trưng. Thứ nhất, là khám phá tour “Mây nắng Chiêu Lầu Thi”. Du khách lâu nay vẫn đi tới những điểm săn mây nổi tiếng trên khắp cung Tây Bắc như Bạch Mộc Lương Tử, Y Tý, Sìn Hồ, Tà Xùa….

Rất ít người biết đến một điểm thậm chí còn đẹp hơn và giàu có hơn về văn hóa. Đó là Chiêu Lầu Thi. Chiêu Lầu Thi được gọi theo tiếng địa phương tức là Chín tầng thang. Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất nhì vùng giao thoa Đông-Tây bắc nước ta, cao thứ nhì của tỉnh Hà Giang, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh và nằm trên địa bàn các thôn Tân Minh, Chiến Thắng, xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì.

Giới chuyên gia lữ hành ở Hà Giang cho rằng, tour săn mây Chiêu Lầu Thi hoàn toàn có thể kết hợp với các tour khác như săn tuyết rơi vào mùa đông, tìm hiểu bãi đá cổ Nấm Dẩn vào mùa hè, tham quan danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa xuân - mùa cấy mạ và mùa thu - mùa gặt lúa.

Tour thứ 2, là “Vượt thác Minh Tân”. Dọc theo quốc lộ 4c, đoạn từ Km20 về thành phố Hà Giang, song song với con đường là 1 dòng suối dốc cực kỳ lý tưởng cho các hoạt động như chèo kayak mạo hiểm vào mùa nước, đi bộ, câu cá dọc suối vào mùa cạn, cắm trại tại các bãi sỏi ven bờ quanh năm. Nước suối tại đây trong vắt quanh năm, 2 bờ là những bãi sỏi cuội nhẵn to nhỏ nhiều màu sắc. Khu vực này, vài năm gần đây đã có rất nhiều đoàn du khách tổ chức cắm trại, nướng cá, gà, vịt và nghỉ chân. Nhiều gia đình sinh sống tại Hà Giang cũng lựa chọn đây là nơi cắm trại picnic cuối tuần, cho trẻ em tìm hiểu khám phá thiên nhiên, tắm suối và nghỉ ngơi. Bộ phim truyền hình nổi tiếng “Lặng yên dưới vực sâu” đã lấy bối cảnh một phần tại đây.

Tiếp đó, tour “Lịch sử giữa lưng trời” tìm hiểu văn hóa lịch sử, tìm hiểu kiến thức tự nhiên kết hợp với trải nghiệm phong cảnh hùng vĩ. Theo Sở VHTT&DL Hà Giang, hiện nay, Hà Giang còn lưu giữ nhiều dấu tích, công trình phòng thủ còn lại của thực dân Pháp từ năm 1884 khi quân Pháp tấn công lên Hà Giang (theo đường từ Tuyên Quang lên) như các đồn bốt, tường thành, trại lính trên khắp vùng, đến nay tiêu biểu còn lại như Đồn Cao Đồng Văn, Trại Phó Bảng, Đồn Đường Thượng, nhiều đồn lính đóng trên các đỉnh núi dọc theo biên giới Việt Trung và Tường thành Cán Tỷ... Đây là những công trình phòng thủ chiến lược rất quy mô, kết cấu bền vững, vị trí trấn thủ kiên cố và hiểm yếu.

Đoạn đường mòn đi tắt từ Tường thành Cán Tỷ lên vượt qua eo đất thấp nhất rồi xuống Lao Và Chải, từ ngàn đời xưa bà con vùng cao này đã chọn nơi đây làm lối đi lại giữa hai vùng. Đây là nơi cao nhất, lại được xây thành phân chia và chắn giữ bằng đá, có cổng bằng gỗ nghiến chắc chắn để đóng mở hàng ngày, nên ai cũng gọi đó là cổng trời. Nơi đây cũng có những hẻm vực kỳ vĩ tạo nên do kiến tạo Karst, những nếp uốn do vận động vỏ Trái đất, những vườn đá do hiện tượng phong hóa…

Tuyến đường này trước kia được sử dụng thường xuyên, trong chiến tranh biên giới, do nằm trong tầm pháo kích nên bị bỏ hoang. Hiện nay, tỉnh Hà Giang cho sửa chữa, xây dựng lại, tạo thêm một cung đường nối Quản Bạ với Yên Minh, rút ngắn chừng 20km. Do vậy, các tour thăm Cao nguyên đá Đồng Văn có thêm sự lựa chọn di chuyển, đa dạng hóa quãng đường. Tuyến đường bao gồm khá nhiều khúc cua đẹp với phong cảnh hút hồn chẳng kém hẻm vực Khe Lía, hẻm vực Mã Pì Lèng.

Cuối cùng là “Trời xanh cao nguyên”- tour trải nghiệm thể thao mạo hiểm. Vừa qua, Sở VHTT&DL Hà Giang phối hợp với một số đối tác đã thử nghiệm thành công loại hình du lịch mạo hiểm dù lượn trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Mặc dù loại hình này khá kén khách do yêu cầu cao về sức khỏe, kỹ thuật và đam mê, tuy nhiên địa hình và vi khí hậu (sức gió, hướng gió) vùng dự kiến triển khai (thung lũng thị trấn Đồng Văn) nên sẽ tạo thuận lợi lớn cho du khách.

Hiện Hà Giang đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về bảo đảm hướng dẫn viên chuyên nghiệp, kỹ thuật, y tế, cứu hộ… để chính thức triển khai vào tháng 10 và 11. Các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù loại hình mạo hiểm này khó thu hút đại chúng du khách, nhưng lại thu hút rất mạnh du khách đến xem, quay phim chụp ảnh và tham gia các hoạt động vui chơi trên mặt đất. Tham gia hoạt động này, du khách có thể quan sát trực tiếp từ trên không trung những phong cảnh hùng vĩ mê hồn người, những cung đường uốn lượn, những dòng song như sợi chỉ xanh vắt qua khe núi… mà trước đây chỉ có thể xem qua flycam.


Khu homestay nhà khách của người Dao.

3. Một ghi nhận khác đó là sự phát triển du lịch homestay ở Hà Giang. Đây là một loại hình “du lịch xanh” lý tưởng đối với các bạn trẻ yêu thích khám phá văn hóa tại các vùng đất mới. Cái thú vị của đi du lịch theo kiểu homestay là được trải nghiệm với người dân bản địa thông qua các sinh hoạt. Thậm chí, thay vì nghỉ tại khách sạn, nhà nghỉ du khách có thể ngủ tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của chính họ.

Tại Hà Giang hiện nay có nhiều vùng du lịch homestay. Ngành du lịch địa phương đã kết hợp cùng người dân hình thành những khu du lịch homestay để phát triển du lịch. Đáng kể, có những khu được giới lữ hành khuyên du khách “không nên bỏ lỡ”.

Đó là Auberge de Meovac hay còn gọi là Chúng Pủa (trong tiếng Mông nghĩa là bên suối). Nằm trong một con ngõ khá nhỏ ngay trung tâm thị trấn Mèo Vạc, Chúng Pủa là ngôi nhà người Mông đặc trưng với mái ngói âm dương, tường được trình bằng đất, cột nhà bằng gỗ Sa Mộc với chân đế bằng đá tượng hình cho bông hoa cây thuốc phiện. Xung quanh Chúng Pủa vẫn là nhà vườn của người dân Mông nên không gian khá yên tĩnh, gần như không có tiếng động cơ xe mà chỉ còn tiếng chim hót véo von, dế kêu rả rích, xen lẫn là tiếng mõ trâu của nhà hàng xóm.

Thứ hai là Hạ Thành nằm cách thành phố Hà Giang chừng 6km theo hướng đi cửa khẩu Thanh Thủy với 100% bà con dân tộc Tày. Toàn bộ những ngôi nhà ở Hạ Thành mang đậm nét kiến trúc của người Tày với mái cọ, sàn 2 tầng bằng gỗ. Đặc biệt, mỗi ngôi nhà ở đây đều có ao nuôi cá với suối chảy quanh nhà suốt cả năm mà không bao giờ dừng. Du khách có thể lưu trú tại khá nhiều nhà ở Hạ Thành, tìm hiểu cuộc sống, tham quan và trải nghiệm các phong tục thú vị của người dân địa phương.

Bản tình ca từ đá
Sở VHTT&DL Hà Giang cho biết, Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ III, năm 2017 có chủ đề “Bản tình ca từ đá” sẽ diễn ra trong thời gian từ 4-10 đến 31-12 tại 4 huyện vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc) và TP Hà Giang.
Đây là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn; đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, những danh lam, thắng cảnh hùng vĩ, thơ mộng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hà Giang.
Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Tam giác mạch sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hội chợ Công viên địa chất Quốc tế; Hội thi sản phẩm mật ong Bạc hà tỉnh Hà Giang 2017; Tổ chức hoạt động dù bay trên mùa hoa tam giác mạch; Hòa nhạc dưới chân cột cở Lũng Cú với chủ đề “Âm vang Lũng Cú”…

T. Lan

Phượt Hà Giang bằng xe môtô

Thứ ba, là Dao Lodge (Nhà khách người Dao). Đây là một công trình kiến trúc mang đậm nét truyền thống của người bản địa nhưng tiện nghi lại hiện đại. Ít người biết rằng công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự và đã đoạt giải Vàng Kiến trúc xanh năm 2015-2016. Toàn bộ tầng 1 của căn nhà được trình bằng đất, tầng 2 làm bằng hỗ với những tấm kính đón sáng, mái ngói bẻ cong biểu tượng chim én - vốn có rất nhiều tại đây. Dao Lodge tọa lạc tại bản Nậm Đăm, huyện Quản Bạ với gần như 100% là đồng bào người Dao. Dao Lodge được xây dựng từ năm 2014, một phần lợi nhuận thu được từ dịch vụ tại đây sẽ được góp vào Quỹ phát triển cộng đồng để phục vụ mục đích giữ gìn, phát triển bản sắc cũng như xây dựng làng du lịch văn hóa truyền thống của người Dao ở Nậm Đăm.

Phong Sơn - Thái Vĩnh