Phát hiện nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép
Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt để bảo vệ những loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát bàn giao hổ cho Trung tâm Cứu hộ động vật Sóc Sơn (Hà Nội).
1. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong thời gian vừa qua tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép vẫn diễn ra khá tinh vi, phức tạp. Tuy vậy, các cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ ĐVHD trái phép. Cụ thể, ngày 9-1, tại An Giang, Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 26 kg rắn, trong đó bao gồm 3 kg rắn hổ mang thường (Naja atra), trị giá 5 triệu đồng. Còn tại Bắc Giang, ngày 28-3, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra một chiếc xe tải trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Lạng Giang và phát hiện trên xe có 3 kg rắn ráo (Ptyas korros), 5 cá thể rùa đất lớn (Heosemys grandis), 2 cá thể rùa núi viền (Manouria impressa), 4 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum), và 15 cá thể rùa cổ sọc (Mauremys sinensis). Đối tượng vận chuyển đã bị xử phạt 22 triệu đồng và các cá thể ĐVHD được chuyển giao về Trung tâm Bảo tồn Rùa thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương...
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 6-4, Hạt Kiểm lâm VQG Côn Đảo và Công an huyện Côn Đảo đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 30 quả trứng vích (Chelonia mydas).
Đặc biệt, các vụ việc nuôi nhốt khỉ làm cảnh vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải. Trong 4 tháng đầu năm 2017, ENV đã tiếp nhận 68 vụ việc nuôi nhốt khỉ, trong đó các cơ quan chức năng đã tịch thu 42 cá thể khỉ để chuyển giao đến trung tâm cứu hộ hoặc thả về tự nhiên.
Ngoài ra, một vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng trong hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm. Đó là vụ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn vận chuyển, buôn bán sừng tê giác và một số sản phẩm từ ĐVHD. Ngày 27-4, Phòng 2, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu (C74), phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông, đã bắt giữ Nguyễn Mậu Chiến. Sau khi bắt quả tang đối tượng trong đường dây của Chiến vận chuyển trái phép 33 kg sừng tê giác tại Ga Hà Nội, các cơ quan chức năng đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Chiến tại Hà Nội và tịch thu thêm ngà voi, sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh, một số sản phẩm chế tác từ ngà voi và nhiều sản phẩm khác từ ĐVHD.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, cơ quan chức năng nhận định, tình trạng săn bắt, mua bán, kinh doanh các loài thú rừng cũng có những diễn biến phức tạp… Theo ông Lê Việt Dũng - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), ngày 21-7 vừa qua, lực lượng kiểm lâm phát hiện 2 trường hợp mua bán ĐVHD tại 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất. Qua đó tịch thu 115 cá thể gồm: rắn, sóc, bìm bịp đã qua sơ chế, ướp lạnh. Trước đó, vào tháng 4-2017, Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên trong lúc tuần tra rừng phát hiện 4 đối tượng săn bắn thú rừng và đã khống chế được những đối tượng này. Cũng tại VQG Cát Tiên, vào tháng 1-2017 kiểm lâm phát hiện một nhóm đối tượng đặt bẫy trúng 1 cá thể bò tót nhưng chưa kịp đem đi thì con thú này đã tự chạy thoát.
2. Trước những vụ việc buôn bán ĐVHD bị phát hiện trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Lê Việt Dũng cho rằng, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng sử dụng sản phẩm ĐVHD làm thức ăn, ngâm rượu, bào chế thuốc… là tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, các loài thú rừng liên tục bị săn bắt.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho rằng, với những phát hiện này, đây là “một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực điều tra triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các loài ĐVHD quý, hiếm khác theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 12-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó cũng cho thấy, loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cần thiết áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới”.
Theo ENV, mặc dù đơn vị này đã thường xuyên triển khai những hoạt động nâng cao nhận thức và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
ENV cũng đưa ra khuyến nghị: cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động giáo dục cộng đồng về vấn đề này. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải giữ vững quan điểm “không khoan nhượng” đối với các hành vi nuôi nhốt ĐVHD làm cảnh. Thay đổi nhận thức không thể thành công một sớm một chiều; việc đó đòi hỏi quyết tâm cao và bền bỉ của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ ĐVHD dưới mọi hình thức.