Thách thức lớn của Thủ tướng Nhật trong kỳ bầu cử sớm
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang phải đối diện với thách thức lớn đến từ chính đồng minh của ông, giờ đã trở thành đối thủ, khi cử tri nước này đi bỏ phiếu vào tháng tới trong một kỳ bầu cử sớm mà ông mô tả là phán quyết cuối cùng về cách thức vận hành nền kinh tế và đối phó với vấn đề Triều Tiên của ông.
Đảng Hy vọng của bà Koike tuy mới thành lập được vài ngày nhưng đang trên đà trỗi dậy. (Nguồn: AP).
Thủ tướng Abe đã giải tán Hạ viện trong hôm 28/9, trong khi các lá phiếu thăm dò cho thấy một đảng bảo thủ mới được thành lập bởi Thị trưởng thành phố Tokyo, bà Yurriko Koike, đang trỗi dậy để cạnh tranh khốc liệt với đảng cầm quyền LDP của ông.
Đảng Hy vọng của bà Koike, hình thành chỉ trước đó một ngày, đã cam kết sẽ trở thành một "đảng bảo thủ thiên về cải cách và khoan dung". Bà Koike, một cựu phát thanh viên thông thạo tiếng Anh và Arab, đã trở thành một chính trị gia dân túy theo chủ nghĩa bảo thủ kể từ khi trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của Tokyo hồi năm ngoái.
"Nếu chúng ta không tái thiết Nhật Bản ngay vào lúc này, chúng ta sẽ không thể bảo vệ sự cạnh tranh trên trường quốc tế và an ninh quốc gia một cách hiệu quả" - bà Koike nói trong buổi lễ thành lập đảng của mình.
Thủ tướng Abe được cho là đã kêu gọi bầu cử - sớm hơn một năm so với dự kiến - nhằm lợi dụng điểm yếu và sự chia rẽ của phe đối lập hiện tại và đảm bảo cho các kế hoạch chi tiêu của ông, cùng với quan điểm cứng rắn hơn đối với chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Bà Koike, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe cách đây một thập kỷ, từng nói rằng bà sẽ không tham gia tranh cử mà sẽ giữ vị trí Thị trưởng Tokyo để quản lý quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020. Tuy nhiên, quyết định của bà trong việc thành lập một đảng mới có thể ảnh hưởng tới kế hoạch thu hút các cử tri còn do dự của ông Abe.
Các lá phiếu thăm dò mới nhất cho thấy đảng Hy vọng của bà Koike đang thu hẹp khoảng cách với đảng cầm quyền LDP, bất chấp nhiều tín hiệu cho thấy ông Abe đang thu được tín nhiệm trở lại kể từ sau nhiều vụ bê bối khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm tới mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2012.
Một cuộc thăm dò do tờ Mainichi công bố cho thấy 18% cử tri sẽ bỏ phiếu cho đảng Hy vọng, và 29% cho đảng LDP của ông Abe. Một cuộc thăm dò khác do tờ Asahi thực hiện cho thấy 13% bỏ phiếu cho đảng của bà Koike và 32% cho đảng của ông Abe.
Sự trỗi dậy của đảng Hy vọng trên chính trường Nhật còn đẩy đảng đối lập chính ở nước này, đảng Dân chủ, vào chỗ rối loạn. Một số nghị sỹ thuộc đảng này đã chuyển sang đảng của bà Koike, trong khi lãnh đạo của họ, Seiji Maehara, được cho là đang cân nhắc về việc cho phép các thành viên đảng Dân chủ tranh cử với tư cách ứng viên của đảng Hy vọng.
Trong lúc đảng LDP được dự kiến sẽ giành chiến thắng, họ vẫn có khả năng sẽ bị mất nhiều ghế trong Hạ viện trong cuộc bầu cử sớm sắp tổ chức.
Đảng LDP cùng đối tác liên minh của mình, đảng Komeito, hiện đang nắm giữ 2/3 số ghế ở cả hai viện, điều mà ông Abe cần có để thúc đẩy các kế hoạch cải cách của mình. Thất bại trong việc duy trì số đông áp đảo trong hai viện này sẽ chấm dứt kế hoạch cải cách Hiến pháp của ông - một kế hoạch mà ông Abe đã cống hiến cả sự nghiệp chính trị để theo đuổi.
Bà Koike, người từ lâu đã được đồn đoán sẽ trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, đã đánh bại đảng LDP hồi năm ngoái trong cuộc chạy đua chức Thị trưởng Tokyo. Tháng 7 vừa qua, một thành viên trong đảng của bà cũng đánh bại LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, làm dấy lên tranh luận rằng bà có thể thách thức đảng cầm quyền trong các kỳ tổng tuyển cử.
Một số nhà phân tích cho rằng thủ tướng Abe dường như sẽ không gặp phải số phận như Thủ tướng Anh Theresa May, người từng kêu gọi bầu cử sớm hồi đầu năm chỉ để nhận được kết quả là đảng Bảo thủ của bà mất đi nhóm đa số trong Hạ viện.
"Không giống như đảng Lao động ở Anh, không có đảng đối lập nào đủ mạnh như vậy ở Nhật" - Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple, Tokyo, nhận định - "LDP giống như một người khổng lồ. Họ có thể không duy trì được đa số áp đảo nhưng cũng chỉ chịu ít rủi ro".
Cả ông Abe và bà Koike đều là chính trị gia bảo thủ có quan điểm cứng rắn về an ninh và thúc đẩy kinh tế, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt chắc chắn sẽ được thể hiện trong kỳ bầu cử tới.
Trong khi ông Abe cam kết tăng thuế bán lẻ trong năm 2019 nhằm có ngân sách cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe người già, thì bà Koike lại muốn đóng băng thuế. Bà Koike cũng từng kêu gọi Nhật Bản từ bỏ điện hạt nhân sau khủng hoảng Fukushima năm 2011, trong khi ông Abe ủng hộ việc tái khởi động các lò phản ứng.