Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xử lý tận gốc những tồn tại của bóng đá Việt
“Có làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không đến là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh, "trong sạch" như dư luận phản ánh", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khẩn trương sơ kết chiến lược phát triển bóng đá, đưa ra giải pháp xử lý tận gốc những tồn tại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Chiều 28/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc lới lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đại diện một số bộ ngành liên quan về thực trạng bóng đá Việt Nam, cũng như tình hình tổ chức và hoạt động của VFF.
Thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá phát triển rộng rãi. Cơ sở vật chất, sân bãi do nhà nước và xã hội đầu tư tăng mạnh. Nhiều câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, đào tạo bóng đá trẻ được thành lập. Hệ thống các giải bóng đá phong trào, chuyên nghiệp được tổ chức đều đặn ở tất cả các lứa tuổi, cấp độ.
Công tác xã hội hoá bóng đá được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển bóng đá với hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đầu tư vào các câu lạc bộ, tài trợ tổ chức các giải thi đấu…
Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều hành trong bóng đá còn nhiều tồn tại, bất cập từ phát triển bóng đá phong trào đến cơ chế vận hành tại các câu lạc bộ chuyên nghiệp, đào tạo, huấn luyện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được coi trọng đúng mức.
Những biểu hiện tiêu cực như đánh bạc, dàn xếp tỷ số, thi đấu bạo lực, có hành vi thiếu văn hoá vẫn còn xảy ra. Kỷ cương trong hoạt động bóng đá chưa nghiêm.
Các ý kiến tập trung phân tích nguyên nhân khiến người hâm mộ không còn mặn mà với bóng đá. Trước hết là thiếu sự nhận thức về quan điểm, mục tiêu phát triển bóng đá. Cơ chế hoạt động bất cập khiến các câu lạc bộ gặp khó khăn về nhiều mặt như tài chính, sân bãi, các tuyến đào tạo. Đặc biệt là bệnh thành tích, tư duy ngắn hạn của những người làm bóng đá. Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 trong đó coi việc phát triển bóng đá “là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”.
Vì vậy, sau 4 năm triển khai, Bộ VHTT&DL phải khẩn trương tiến hành sơ kết việc thực hiện chiến lược này, làm rõ các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn có cần phải điều chỉnh, bổ sung, lộ trình thực hiện trong những năm tới.
“Đặc biệt các bước chuyển lên bóng đá chuyên nghiệp vừa qua đã hợp lý chưa, làm sao hài hoà giữa việc huy động nguồn lực xã hội hoá từ các DN lớn với hình ảnh “màu cờ sắc áo” của số đông người hâm mộ”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Theo Phó Thủ tướng, điểm quan trọng nhất trong sơ kết chiến lược là phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân, nhìn nhận nghiêm khắc, quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan trong từng mục một. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu bởi chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa. Cơ cấu hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên?
Bộ VHTT&DL cần tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà.
“Có làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không đến là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh, "trong sạch" như dư luận phản ánh. Từ đó mới đưa ra được giải pháp, “phương thuốc", "liệu pháp điều trị” đúng, xử lý tận gốc những vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, DN đầu tư, công tác tổ chức…”, Phó Thủ tướng nói và nhắc lại “bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm. Việc quản lý, điều hành hoạt động bóng đá phải làm theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và thông lệ quốc tế”.