Cơ quan quản lý cạnh tranh phải độc lập với bộ chủ quản

V.Thắng 29/09/2017 08:15

Những chuyển biến lớn trong môi trường kinh doanh đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới là những điều mà Luật Cạnh tranh 2004 chưa dự liệu hết. Vì thế bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh đang là vấn đề đang được đặt ra khi sửa đổi Luật Cạnh tranh nhằm “lấp” những khoảng trống trên.

Điểm mới là Dự thảo Luật lần này đã bổ sung các quy định để hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh hơn. Theo đó, cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương. Đồng thời, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cần quan tâm đến 3 vấn đề. Thứ nhất là những vấn đề kỹ thuật về pháp luật cạnh tranh bởi do thị trường ngày càng phát triển nên cách thức tính toán trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, mua bán cũng phải thay đổi một số vấn đề về kỹ thuật để kiểm soát. Thứ hai là kiểm soát hành vi của các cơ quan, cán bộ công chức, viên chức trong việc tôn trọng thực thi pháp luật về cạnh tranh. Bởi theo ông, chỉ khi pháp luật về cạnh tranh được thực thi tốt thì thị trường mới được vận hành một cách lành mạnh và khi đó chúng ta mới có doanh nghiệp mạnh đứng vững trên thị trường. Đặc biệt chỉ khi có pháp luật cạnh tranh tốt, thị trường cạnh tranh tốt thì lợi ích của người tiêu dùng mới được bảo đảm. Thứ ba là cần quy định mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh có tính độc lập hơn hiện nay.

“Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh phải có tính độc lập hơn mô hình hiện hành, không thể để một bộ vừa làm chức năng đại diện phần vốn của nhiều doanh nghiệp nhà nước, đồng thời lại làm chức năng kiểm soát cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Trong thời kỳ hội nhập, yêu cầu về cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Quốc gia chỉ có thể tồn tại và cạnh tranh thì mới phát triển và thịnh vượng được. Do đó, những quy định tại các điều khoản của Luật rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là tinh thần của Luật phải được thấm đẫm trong các luật khác liên quan, chứ không chỉ riêng Luật về cạnh tranh”-ông Huỳnh bày tỏ.

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, cần quy định mô hình cơ quan cạnh tranh độc lập thuộc Chính phủ để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh.

“Thường trực Ủy ban đề nghị quy định nguyên tắc ngay trong Luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh, đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan cạnh tranh, bảo đảm cơ quan này có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, bảo đảm tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh cũng như quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh”-ông Thanh cho hay.

Băn khoăn về tính độc lập của cơ quan cạnh tranh quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm, chỉ khi sửa Luật Cạnh tranh theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản, mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng hiện lại sửa đổi Luật theo hướng cơ quan chủ quản trở thành cơ quan cạnh tranh quốc gia, tức là Cục Quản lý cạnh tranh trở thành cơ quan tố tụng cần hết sức cân nhắc. Bởi khi cơ quan chủ quản lại quản lý một số doanh nghiệp lớn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay “kinh tế ngầm”.

“Với cơ chế vừa quản lý nhà nước, vừa là cơ quan tố tụng cạnh tranh, lại vừa là cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp thì có thể khắc phục được những bất cập như thời gian vừa qua như lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay ngầm hay không?”-bà Nga đặt vấn đề.

V.Thắng