Cẩn trọng vay tài chính tiêu dùng

Hà Linh 29/09/2017 08:05

Thị trường cho vay tiêu dùng trong những năm gần đây phát triển mạnh do nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao, cùng với sự tham gia của hàng loạt các công ty tài chính và ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 20–30%/năm liên tục kể từ 2010, tính đến cuối năm 2016, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có quy mô 646.000 tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD), gấp đôi so với dự đoán 15 tỷ USD được đưa ra chỉ một năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, sự bùng nổ cho vay tiêu dùng cũng đang đặt r

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, cho vay tiêu dùng (CVTD) có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới song cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy cần thiết phải có sự song hành giữa việc tăng trưởng và đảm bảo bền vững trong quá trình phát triển thị trường này.

Kỳ vàng son

Thị trường CVTD trong những năm gần đây phát triển mạnh do nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao, cùng với sự tham gia của hàng loạt các công ty tài chính và ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 20–30%/năm liên tục kể từ 2010, tính đến cuối năm 2016, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có quy mô 646.000 tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD), gấp đôi so với dự đoán 15 tỷ USD được đưa ra chỉ một năm trước đó và chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế; và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu với khoảng 30 triệu người trong khoảng 29-50 tuổi.

Theo thống kê, hiện đã có khoảng 16 công ty tài chính CVTD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động, chưa kể các ngân hàng thương mại, các công ty Fintech và nhiều hình thức cho vay phi chính thức khác… Nếu không tính các khoản vay mua nhà và sửa chữa nhà ở (như thông lệ thống kê của các nước) thì tổng mức dư nợ tín dụng tiêu dùng năm 2015 đạt 272.241 tỷ đồng, tương đương 6,62% GDP, tỷ lệ này vượt qua Trung Quốc (6%) và Nhật Bản nhưng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác: Mỹ 17%, Châu Âu 14%, Hàn Quốc trên 20%.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN đánh giá, Việt Nam có quy mô dân số trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15-64 và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Dưới góc độ DN, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị FE CREDIT nhấn mạnh: Đối với những người dân có thu thập thấp và không ổn định, không thể tiếp cận dịch vụ tài chính từ ngân hàng thì tài chính tiêu dùng tại các công ty tài chính (CTTC) gần như là “cứu cánh” cho họ, vì nếu không có các công ty tài chính như FE CREDIT thì họ phải trông vào tín dụng “đen” với mức lãi suất vượt ngưỡng khả năng thanh toán kèm theo rất nhiều rủi ro và hệ lụy.

Thị trường cho vay tiêu dùng đang rất phát triển.

Cần sự bền vững

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tăng trưởng phải song hành với phát triển bền vững, sự bùng nổ CVTD cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đánh giá về rủi ro trên thị trường CVTD Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, mặc dù phát triển nhanh nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhưng “độ phủ” tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn thấp do cách nhìn nhận và các thông tin về vay tiêu dùng còn hạn chế, sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng; chính sách cho vay của các định chế tài chính còn thắt chặt vì những lo ngại về rủi ro trong việc thu hồi nợ...

Các vấn đề nhằm hạn chế rủi ro từ phía khách hàng như hạn mức tín dụng của một khách hàng trên toàn hệ thống, hạn mức tín dụng so với thu nhập của khách hàng, số lượng thẻ tín dụng tối đa một khách hàng có thể có… đang là những vấn đề cần phải đánh giá xem xét cẩn trọng để đưa vào các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ cả người đi vay và tổ chức cho vay. Từ đó, phát triển lĩnh vực CVTD tại Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững.

Theo T.S Cấn Văn Lực, muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, NHNN và các cơ quan quản lý không chỉ cần hoàn hiện hành lang pháp lý mà còn phải tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới. Ông Lực cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng cần cân nhắc khả năng tài chính của mình trước khi vay và nhất thiết phải thanh toán CVTD đúng hạn để đảm bảo bản thân có lịch sử tín dụng tốt, từ đó có thể được hưởng mức lãi suất hợp lý và ưu đãi hơn từ các CTTC.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng còn cho rằng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình học đường như một môn học chính thức. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tài chính tiêu dùng, hay nói đơn giản hơn là việc chi tiêu cá nhân là một trong những bài học cơ bản của các em học sinh, giúp các bạn trẻ có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hà Linh