Hai dự án trăm tỷ bỏ dở dang
Hai dự án “khủng” ở tỉnh Hòa Bình được đầu tư số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng nhưng nhanh chóng rơi vào tình trạng bỏ hoang. Đã vậy, ngành chức năng còn xác định sai số tiền mà các chủ đầu tư phải nộp lên tới hàng trăm tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đến nay, cả hai dự án trăm tỷ biến thành dự án “treo”, chưa cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (huyện Lương sơn, Hòa Bình).
Cạo trọc rừng xanh
Với vị trí tuyệt đẹp gồm hệ thống thung lũng, hồ nước, dải đồi nhấp nhô lượn sóng, khu đồi, thung lũng tại xã Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn) nhanh chóng được Công ty CP Xây lắp dầu khí Hòa Bình chọn làm Dự án khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long.
Theo thiết kế, Dự án khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long có tổng diện tích sử dụng 60 ha đất, với tổng mức đầu tư 288 tỷ 621 triệu đồng. Khu đô thị sinh thái này được quy hoạch các chức năng đa dạng bao gồm các hình thức nhà vườn, trang trại, biệt thự cao cấp cùng các dịch vụ điều dưỡng, thẩm mỹ…
Dự kiến ban đầu, chủ đầu tư sẽ thực hiện Dự án từ năm 2009 đến năm 2012 hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì đến tận năm 2012, chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai thực hiện Dự án. Sau lễ khởi công rầm rộ, chủ đầu tư đã huy động máy móc san phẳng khu đồi rừng rộng lớn để làm mặt bằng dự án. Sau đó, chủ đầu tư san gạt một số tuyến đường lên khu đô thị và trong khu đô thị rồi thi công èo uột dần và bỏ hoang từ đó đến nay.
Đáng bàn hơn, trong quá trình triển khai Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình trình UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái Cửu Long theo phương pháp thặng dư, trong đó số tiền trả lãi vay xác định không đúng quy định, làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm 101 tỷ 503 triệu đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Không chỉ vậy, chủ đầu tư Dự án chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất với số tiền 41 tỷ đồng trong thời gian dài, nhưng ngành chức năng tỉnh Hòa Bình không đôn đốc chỉ đạo, không có biện pháp xử lý.
Mặt khác, theo báo cáo của chủ đầu tư, sau khi UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Dự án tái định cư đã giao cho chủ đầu tư ứng trước nguồn kinh phí để thực hiện Dự án và sẽ được đối trừ vào tiền sử dụng đất, tổng số kinh phí đã chi là 7 tỷ 899 triệu đồng nhưng Dự án chưa thực hiện.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Một dự án “đình đám ” khác cũng rơi vào tình trạng dang dở là Dự án Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình do Công ty CP đầu tư San Nam Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án này được triển khai tại xã Phú Minh và xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn) trên diện tích 405,73 ha với tổng mức đầu tư 56 tỷ 550 triệu đồng.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng khu trồng và chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, thời gian thực hiện từ 2004 đến 2007, khi Dự án hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương.
Ngay khi bàn giao, việc cho thuê đất của tỉnh Hòa Bình đối với Dự án này cũng bùng nhùng không kém. Được biết, tháng 10-2004, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1996/QĐ-UBND thu hồi 405,73 ha đất các loại cho Công ty CP đầu tư San Nam Hòa Bình thuê xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình.
Ngày 30/8/2007, Sở TM&MT Hòa Bình cùng các đơn vị chức năng có liên quan đã tiến hành lập biên bản bàn giao toàn bộ diện tích 405,73 ha đất cho Công ty CP đầu tư San Nam Hòa Bình để thực hiện triển khai Dự án, nhưng đến ngày 24/3/2009, UBND tỉnh do ông Bùi Quang Khánh - giám đốc Sở TN&MT làm đại diện mới ký hợp đồng thuê đất số 45 HĐ/TĐ với Công ty CP đầu tư San Nam Hòa Bình với diện tích 79.692,7 m2 để xây dựng nhà máy thực phẩm San Nam. Số diện tích còn lại 3.977.612,3 m2 đã bàn giao cho chủ đầu tư quản lý, sử dụng, nhưng đến nay đã gần chục năm trôi qua chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất.
Đến nay, Dự án chậm tiến độ 8 năm so với Quyết định đầu tư số 934/QĐ-UBND ngày 25/5/2004 của UBND tỉnh Hòa Bình. Hiện, Dự án mới có khu nhà máy chế biến rau, quả sấy khô đã đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả, nay đã phải tạm dừng sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ khu đất còn lại bỏ hoang cho cỏ dại mọc, nhưng ngành chức năng tỉnh Hòa Bình không có biện pháp thu hồi dự án. Do bị thu hồi phần lớn diện tích đất làm dự án buộc người dân phải đi làm thuê khắp nơi kiếm sống nên đời sống bấp bênh.
Trước nghịch lý này, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân hai xã Phú Minh và Hợp Thành đã liên tục phản ánh việc thiếu đất sản xuất và việc đất dự án San Nam bỏ hoang phí đồng thời đề nghị vị trí đất nào không sử dụng sẽ thu hồi giao lại cho địa phương nhưng không được ngành chức năng quan tâm, giải quyết.
Trước những búc xúc và kiến nghị của nhân dân, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra và xác định công tác quản lý đất đai tại Dự án xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hòa Bình thiếu trách nhiệm, có tính chất buông xuôi trong thời gian dài. Giao đất cho chủ đầu tư thuê thực hiện dự án, còn diện tích lớn chưa ký hợp đồng, chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát ngân sách nhà nước.
“Trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở TN&MT và Chủ đầu tư” - Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm như thế nào thì vẫn là câu hỏi lớn còn “bỏ ngỏ”.