Không nên dùng cơ bắp
Trong những ngày qua, bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) bỗng trở thành tụ điểm nóng khi có hàng trăm tài xế GrabBike kéo về đây để “hơn thua” với những lái xe ôm truyền thống. Có lẽ đó là hiệu ứng từ lời kêu gọi của “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Việt Sin. Anh này đề nghị các lái xe Grab phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình, sau khi một tài xế Grab bị các tài xế xe ôm truyền thống đánh hội đồng hôm 25/9 vừa qua.
Nhóm xe ôm truyền thống “dằn mặt” tài xế GrabBike (Hình ảnh cắt từ video clip vụ việc).
Không chỉ kêu gọi trên facebook cá nhân, đích thân “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Việt Sin ngày 26/9 cũng đã cùng một nhóm tài xế GrabBike kéo đến bến xe An Sương để “tìm hiểu sự việc”. Lập tức có một số người vác mã tấu ra thách thức, khiêu chiến. Tuy nhiên, do công tác nắm tình hình tốt nên lực lượng công an đã kịp thời có mặt để giải tán đám đông không để xảy ra xô xát.
Mặc dù sau đó, Nguyễn Sin có thanh minh rằng anh không phải là trùm băng đảng, cũng chưa đánh ai, vậy mà công an lại bảo anh giải tán đám đàn em đi. Song, một số tài xế GrabBike thì không giấu giếm ý định tập kích các lái xe ôm truyền thống để trả đũa cho đồng nghiệp.
Trước đó, tài xế GrabBike Hoàng Long Đức đã bị khoảng 30 xe ôm truyền thống quây “đánh hội đồng” khiến bị thương tích nặng phải nhập viện điều trị. Sau khi vào viện, Đức còn phát hiện bị mất điện thoại và ví tiền.
Bức xúc, “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Việt Sin tuyên bố trên facebook cá nhân: “Ngoài bến xe An Sương ra thì điểm nào anh em Grab bị hành hung nhiều nhất. Tôi cầm đầu tổ chức chơi lớn một hôm cho quý vị coi. Coi xong clip mà muốn lên máu sản hậu...”.
Có lẽ cũng nhờ danh tiếng lâu nay của vị “hiệp sĩ đường phố” này mà các tài xế Grab hết biết sợ nên kéo đến bến xe An Sương ngày một đông.
Hiện, không chỉ có lực lượng dân phòng, cảnh sát trật tự, mà lực lượng CSGT cũng phải tập trung về bến xe An Sương vừa để phân luồng giao thông, vừa để ngăn ngừa điều đáng tiếc xảy ra. Vậy là từ một sự việc rất đơn giản là tài xế Grab Hoàng Long Đức đón trả khách rồi bị nhóm xe ôm truyền thống xúm vào đánh gây thương tích, dẫn đến việc tụ tập gây mất trật tự xã hội, ách tắc ATGT khiến các cơ quan chức năng phải đổ quân ra phòng ngừa ngăn chặn.
Tại sao nhiều người không hiểu một điều đơn giản là trong xã hội văn minh ngày nay, không thể dùng nắm đấm để “nói chuyện phải trái” được. Chẳng phải các cụ xưa từng nói “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ” đó sao?
Trên mạng xã hội facebook, nhiều người đã đưa status kích động các tài xế GrabBike, khiêu chiến các lái xe ôm truyền thống làm sự việc ngày càng căng thẳng. Thậm chí có cá nhân còn hung hăng comment rằng: “Thành lập một đội anh em “đất Bắc” chạy GrabBike ở Sài Gòn chuyên đón khách ở bến xe An Sương xem thằng nào dám đụng tới”, hay “500 anh em qua chiếm luôn địa bàn này đi. Cứ quây hết lại, bắt hết khách...”.
Chính từ những status, những comment kiểu đó khiến sự việc vốn đã căng thẳng ngày càng trở nên trầm trọng, khó kiểm soát. Vậy là có rất nhiều người chạy GrabBike đã lũ lượt kéo về bến xe An Sương để gây sức ép với những lái xe ôm truyền thống.
Vẫn biết việc một số xe ôm truyền thống cát cứ tại bến xe An Sương không cho cánh tài xế GrabBike hay bất kỳ loại hình xe ôm nào bén mảng đến đón khách là hành vi khó chấp nhận. Việc khoảng 30 xe ôm truyền thống “đánh hội đồng” gây thương tích nặng cho tài xế GrabBike Hoàng Long Đức lại càng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Nếu sau này giám định, tài xế GrabBike Hoàng Long Đức bị thương tổn trên 11% sức khỏe thì sẽ có một số lái xe ôm truyền thống vướng vào vòng lao lý. Ngay cả khi thương tật dưới 11% thì các xe ôm truyền thống vẫn có thể bị khởi tố vì hành vi gây thương tích có tổ chức (Điểm e, Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự), hoặc có thể bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng...
Song, không từ cái sai của một số xe ôm truyền thống mà các tài xế GrabBike lại dùng cái sai để trả đũa. Nếu không xảy ra xô xát thì không sao, nếu có chuyện thì ai dám đoán chắc rằng không có nhiều người bị thương tích, thậm chí là mất mạng bởi sự bốc đồng nhất thời?
Đó là chưa kể khi xảy ra “đấm đá” thì những ai tham gia, gây hậu quả tổn hại sức khỏe cho người khác, dù đó là lái xe ôm truyền thống hay GrabBike thì cũng sẽ bị bắt giữ và bị nghiêm trị trước pháp luật. Vậy nên, thay vì bột phát bởi những lời kích động trên mạng xã hội, những người tài xế GrabBike cần hết sức bình tĩnh, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chứ không nên manh động tụ tập gây rối, đánh nhau để rồi sau này lại phải ân hận.
Đáng buồn là việc một người danh tiếng lẫy lừng như “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Việt Sin, với bao chiến công truy bắt tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản... lại bị vướng vào vòng xoáy của một vụ việc đáng tiếc này. Giá như anh bình tĩnh hơn, để giúp đỡ và bảo vệ anh em GrabBike chỉ cần chính thức đến làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, yêu cầu điều tra làm rõ, thay vì việc lên trang facebook cá nhân hô hào mọi người như vậy.
Nếu từ việc anh ra lời hiệu triệu đó mà xảy ra xô xát dẫn đến gây thương tích nặng hay thậm chí dẫn đến chết người thì có lẽ anh cũng không trốn tránh được trách nhiệm trước pháp luật. Vậy mới nói, giải quyết mọi việc cần cái đầu, chứ không nên dùng cơ bắp.