Xử lý rác thải nông thôn: Khó lắm thay
Nhiều năm trở lại đây, khu vực nông thôn ở hầu hết các địa phương đều trong tình trạng ô nhiễm rác thải. Mặc dù xử lý rác thải là một tiêu chí bắt buộc trong chương trình xây dựng nông thôn mới, song yêu cầu này vẫn là bài toán nan giải. Vì thế thật khó để kỳ vọng việc làm sạch môi trường - nếu chỉ thông qua việc ra quân của chiến dịch quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững.
Việc xử lý rác thải nông thôn đang trông chờ phần lớn vào ý thức người dân.
Thực tế buồn
Ô nhiễm môi trường nông thôn lâu nay một phần xuất phát từ sự thiếu ý thức của người dân. Ở nhiều làng quê, hệ thống sông ngòi, kênh rạch đang trở thành nơi ném xác động vật chết, hoặc lối đi chung, đường làng ngõ xóm bị biến thành cống rãnh xả nước thải chăn nuôi…
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, người dân nông thôn đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; lạm dụng việc đốt rơm rạ mùa gặt; việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng… còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường thì nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm cũng còn yếu kém, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân.
Tại Hà Nội, theo thống kê gần đây nhất, mỗi ngày, 17 huyện ngoại thành Hà Nội phát sinh khoảng 2.200 tấn rác sinh hoạt. Để xử lý khối lượng rác này, gần 100% số xã trên địa bàn thành phố đã thành lập tổ vệ sinh môi trường. Năm 2017, TP Hà Nội quyết định giao các huyện ký hợp đồng với doanh nghiệp môi trường thực hiện việc duy trì vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ khu dân cư về khu xử lý tập trung theo hướng cơ giới hóa.
Cấp huyện, xã chịu trách nhiệm tổ chức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường của các cơ quan, đơn vị, trường học, nhân dân đúng mức quy định của thành phố… Trên cơ sở dữ liệu dân cư, thành phố giao 30 quận, huyện, thị xã thu 423,084 tỷ đồng giá dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2017.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nộp phí vệ sinh môi trường năm 2016 của 17 huyện trên địa bàn thành phố chỉ đạt trung bình 50-70%, cao nhất là 90%. Tại nhiều xã thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức… thu phí dưới mức quy định từ 1.000 đến 2.000 đồng.
Nguyên nhân là do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, nhiều hộ già cả neo đơn không có điều kiện nộp phí, nhiều hộ thường xuyên đi làm xa vắng mặt tại địa phương… Do không thu đúng, thu đủ nên thù lao của nhiều nhân viên vệ sinh viên đạt thấp (trung bình 3 triệu đồng/người/tháng). Thực tế này khiến các tổ vệ sinh không có kinh phí đầu tư, mua sắm phương tiện sản xuất, nộp bảo hiểm y tế, xã hội và vệ sinh viên không tận tâm, gắn bó với công việc vốn độc hại này.
Trông chờ ý thức của người dân
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa phát động nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình hiện đại hóa.
Ông Hoàng Văn Thức- phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lý giải, sở dĩ chiến dịch này tại Việt Nam có chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” bởi ô nhiễm môi trường nông thôn gây ra những thiệt hại về KTXH và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân nông thôn, tạo những xung đột về môi trường. Xung đột chủ yếu giữa cộng đồng làm nghề và không làm nghề, sản xuất làm phát thải ô nhiễm và người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng của ô nhiễm.
Đặc biệt, nổi cộm là vấn đề xung đột liên quan đến quy hoạch các bãi rác tập trung ở khu vực giáp ranh giữa các huyện xã cũng như lợi ích của người dân. Tỷ lệ người mắc các bệnh có liên quan đến ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng gia tăng qua các năm.
Trong khi đó, một số quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường khu vực nông thôn thiếu tính khả thi; đầu tư cho quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn chưa thực sự hiệu quả…
Cùng với đó, hiện nay, Bộ TN&MT quản lý môi trường nông thôn chung nhưng từng phần lại giao cho giao các Bộ, ngành khác nhau nên có quy định chưa rõ.
Vì vậy để quản lý rác thải nông thôn, trước mắt, các Bộ: TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT cần khẩn trương phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi; huy động sự tham gia và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Việc triển khai huy động các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ... cũng cần được nhân rộng.
Cũng theo ông Thức, do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương lại khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường sẽ khác nhau. Vì thế, việc cần thiết là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó, xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
Theo thống kê sơ bộ từ Bộ TN&MT mỗi năm, khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh. Đối với các loại chất thải nguy hại và khó phân hủy, chủ yếu có nguồn gốc từ hoạt động của ngành nông nghiệp và các làng nghề, việc thu gom và xử lý hiện còn rất hạn chế và gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng môi trường. Các vùng ven đô thị, tỷ lệ này đạt khoảng 80%, nhưng ở một số vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt dưới 10%. |