Cựu binh chắp cánh những ước mơ
Một lớp học rèn chữ, rèn tính nết trẻ nhỏ là con em những hộ gia đình nghèo đã ra đời và được duy trì trong suốt 15 năm qua giữa vùng đại ngàn Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Từ lớp học này, nhiều em trưởng thành làm cán bộ công an, quân đội, kỹ sư xây dựng, giáo viên… Năm nay, lớp học có 6 cháu thi đại học thì cả 6 cháu đều đỗ điểm cao. Người mang lại những thành tích ấy là vợ chồng đại tá biên phòng đã nghỉ hưu Phan Chí Nhượng - Thái Thị Nhuần.
Gần 15 năm qua, vị đại tá quân đội về hưu đã chắp cánh ước mơ cho hàng chục học sinh nghèo.
Thực tâm thương con trẻ
Ông Phan Chí Nhượng sinh ra và lớn lên ở làng khoa bảng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ ông đã nổi bật giữa làng quê về một tấm gương nghèo vượt khó. Năm 1959, khi vừa tròn 21 tuổi đời, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gác bút nghiên vào chiến trường Đông Nam Bộ cùng nhân dân miền Nam đánh đuổi đế quốc xâm lược.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1975, ông Nhượng về công tác tại Đà Nẵng rồi được cử đi học Trung cấp Biên phòng và sau đó về công tác tại Trường Học viện Biên Phòng cho đến lúc nghỉ hưu.
Nghỉ chế độ, ông và gia đình ngụ cư ở thôn 3 xã Hương Thọ. Sống cùng những người nông dân cần cù, chân chất, đồng cảnh ngộ khi xưa, ông Nhượng ý thức, chỉ có con đường học tập, mở mang tri thức mới giúp thế hệ trẻ ở vùng quê nghèo này thoát được cảnh quanh năm lam lũ nhưng vẫn chật vật trong cuộc sống.
Bằng tình thương của mình và sự ủng hộ của vợ con, năm 2004, ông Nhượng bắt đầu nhận các cháu học sinh nghèo về dạy học miễn phí, nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông đã nuôi ăn ở trong nhà mà không hề thu một khoản tiền nào.
Các cháu học sinh đến với ông Nhượng từ nhiều lớp với những trình độ khác nhau, có em ngay từ đầu đã chăm ngoan, ý thức học hành nhưng cũng không ít em nghịch ngợm, lơ là việc đèn sách. Ông Nhượng tâm sự: Việc đầu tiên ông làm cho bọn trẻ khi đến với mình là tạo cho các cháu một cái tâm tốt. Bọn trẻ được ông đọc cho nghe thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai và học thuộc lòng Truyện Kiều. Qua những mẩu chuyện trong cuộc sống hàng ngày, ông giáo dục tính trung thực, thật thà và lòng biết ơn để mai sau nếu không thành công thì các cháu cũng sẽ trở thành những con người tử tế, sống có ích cho xã hội.
Có một nền tảng vững chắc về các kiến thức tự nhiên: Toán, Lý, Hóa, Sinh thế nhưng ông Nhượng vẫn luôn cảm thấy kiến thức của mình bị hẫng vì những đổi mới liên tục của chương trình giáo dục hiện hành.
Không ngần ngại, ông xin Ban giám hiệu Trường THPT Vũ Quang được dự giờ giảng dạy các môn tự nhiên ở nhà trường để cập nhật kiến thức. Có khi ông mời thầy giáo dạy Toán ở trường về tận nhà “bổ cứu” kiến thức cho các cháu.
Chắp cánh ước mơ
Vừa chỉ tay về cậu bé nhỏ nhắn ngồi ở dãy bàn sau hiên nhà, ông Nhượng kể: Cậu bé Tuấn này mới năm kia mẹ cháu mang sang gửi ông còn học kém lắm. Bố mẹ vất vả đi làm đồng áng không có thời gian kèm cặp, bản tính lại nghịch ngợm nên trước khi sang đây, Tuấn luôn là học sinh đứng cuối bảng của lớp. Ấy vậy mà năm học vừa rồi, Tuấn được cấp giấy khen “Học sinh giỏi xuất sắc” môn Toán của khối lớp 5.
Là con của một gia đình thuần nông, Nguyễn Quang Sang được bố mẹ gửi sang nhà ông Nhượng từ năm lớp 5, được ông định hướng, kèm cặp, cho ăn ở trong nhà cùng sự nỗ lực của bản thân, vừa qua Sang đã trúng tuyển vào Học viện Quân Y với 29 điểm.
Sang chia sẻ: “Em vô cùng biết ơn ông bà, nếu không có ông bà nuôi nấng, định hướng và chỉ dạy thì chắc chắn em sẽ không đạt được thành tích này. Vui hơn nữa, trước lúc lên đường nhập học, em cũng vừa được đứng vào hàng ngũ của Đảng, kết nạp tại Chi bộ thôn 3 xã Hương Thọ, ông cũng là người giới thiệu và kèm cặp cho em để có được vinh dự này”.
Học trò nghèo đến với ông Nhượng, bên cạnh được “rèn chữ” còn được ông “rèn” cho tác phong quân đội, kỷ luật, ngăn nắp, sạch sẽ. Mỗi ngày, đúng 4h30 sáng, ông thức dậy và gọi các cháu ra sân để cùng tập thể dục. Sau đó, cháu gái thì vào cùng phụ bà nấu bữa sáng, các cháu trai cùng ông quét dọn sân vườn. Được học tập với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ như vậy nên các cháu đến với ông bà hầu như đứa nào cũng tăng cân, khỏe mạnh hơn lúc ở nhà.
Mặc dù đã tròn 80 tuổi, vị cựu binh vẫn miệt mài đèn sách với những học sinh làng, khoảnh khắc mỗi ngày trôi qua với ông đều vô cùng quý giá, bởi vậy ông không muốn lãng phí thời gian của bản thân, còn sống được ngày nào ông mong muốn được cống hiến và làm nhiều việc hơn cho lũ trẻ em nghèo. Vợ ông, bà Thái Thị Nhuần luôn là hậu phương vững chắc.
Thời điểm đông nhất, lớp học của ông Nhượng có 20 cháu theo học, trong đó 8 cháu được ông bà nuôi ăn ở tại nhà. Từ khi mở lớp dạy miễn phí đến nay, ông bà Nhượng đã chắp cánh cho 13 cháu đỗ đạt vào các trường đại học, học viện danh giá và ra trường có việc làm ổn định. Hiện tại ông bà vẫn đang tiếp tục “chắp cánh ước mơ” cho 12 cháu học sinh nghèo được ăn ở, học miễn phí tại nhà.