Hà Nội đề nghị Trung ương phân cấp mạnh để phát triển
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Hà Nội đề nghị Thủ tướng phân cấp cho thành phố được quyết định Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất); duyệt các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định để xem xét việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm.
Thủ tướng làm việc với TP Hà Nội để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho Thủ đô.
Ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và các đề xuất, kiến nghị của thành phố.
Tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chưa có lần nào mà các cuộc làm việc có đông đảo các thành phần gồm các Phó Thủ tướng, các lãnh đạo cấp Bộ đông đảo như cuộc làm việc hôm nay. Vì Hà Nội đề nghị cần tiếp tục xử lý một số vấn đề của thành phố liên quan đến Trung ương.
Đánh giá cao các kết quả Hà Nội đã đạt được thời gian qua, Thủ tướng cho biết, Hà Nội đã có chuyển biến tốt và căn bản. Đặc biệt, hai năm gần đây, Hà Nội không những ổn định mà còn phát triển. Nhiều mô hình tốt, nhiều cách làm tốt cần được phát triển và khuyến nghị các vấn đề đặt ra.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, quan điểm của các Bộ, ngành Trung ương phải rõ ràng, cụ thể, phải tạo điều kiện cho cho Hà Nội phát triển, Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội.
“Thời gian cuộc làm việc ngắn nên Hà Nội phải tìm những khuyến nghị rõ ràng, cụ thể, nói rõ quan điểm của mình để Chính phủ có những định hướng đắt cho Hà Nội, xây dựng Thủ đô hòa bình, phát triển, hội nhập” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Trên thế giới chỉ có 18 thành phố được chứng nhận là Thành phố Vì hòa bình. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, Hà Nội cũng như các Bộ, ngành… cần có các giải pháp, khuyến nghị để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cải cách đổi mới hơn nữa. “Thủ đô có bình yên, có phát triển thì chúng ta mới có thể yên tâm được”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Quang cảnh buổi làm việc.
Cơ chế đặc thù
Tại buổi làm việc, Hà Nội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nhiều nội dung và mong nhận được sự tháo gỡ.
Về việc ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách thành phố: Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với thành phố Hà Nội, giao HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư đối với các Dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố”.
Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách thành phố.
Về cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn Thành phố để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.
Về công tác thực hiện cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước do thành phố Hà Nội quản lý: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép thành phố Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.
Phân cấp cho thành phố Hà Nội được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của thành phố: được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.
Về đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa.
Về nước sạch: Đề nghị Chính phủ cho phép thành phố được thống nhất quản lý nhà nước về nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng để đảm bảo việc quản lý, cung cấp nước sạch theo “một tiêu chuẩn” là “nước sạch đô thị”.
Về xử lý rác thải: đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện trong Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì.
Về phát triển du lịch: Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.
Về tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế: Đề nghị Trung ương cho phép thành phố Hà Nội được thương thảo để tổ chức đăng cai các giải thể dục thể thao quốc tế nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư.
Về biên chế, vị trí việc làm: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho thành phố được quyết định Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất); duyệt các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định để xem xét việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm.
Phân cấp quản lý Thanh tra xây dựng: đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý Thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả.
Phân cấp quản lý y tế cơ sở: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở về cho cấp huyện quản lý.
Thuê dịch vụ công nghệ thông tin: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội thuê phần mềm theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 và thuê trọn gói trung tâm cung cấp dịch vụ thông tin; chỉ đạo các Bộ: Tài chính, Thông tin - Truyền thông hướng dẫn về giá thuê đối với các dịch vụ này.
Về cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư: UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ chấp thuận...