Tín hiệu vui

Nam Việt 30/09/2017 07:55

Những thông tin gần đây về nền kinh tế đang là tín hiệu vui: GDP quý III đạt 7,46%, đưa GDP của 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 có thể sẽ đạt được, dù cho nền kinh tế đất nước đã và đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Biểu đồ tăng trưởng GDP 3 quý và 9 tháng năm 2017.

Con số thống kê cụ thể cho thấy: GDP quý I/2017 tăng 5,15% so với cùng kỳ năm trước; quý II tăng 6,28% và quý III 7,46%. Cần nhắc lại, cuối quý I, sau khi số liệu tăng trưởng được công bố (5,15%), nhiều ý kiến đánh giá sức khỏe của nền kinh tế ọp ẹp, khó có khả năng tăng trưởng cao hơn vì rằng nó đã gặp phải một khởi đầu thiếu thuyết phục cho cả năm 2017.

Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp, nhiều nỗ lực từ Chính phủ, kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế địa phương, các ngành cũng đã chuyển động theo hướng đi lên, cho dù không hẳn đã có sự đột biến.

Hết quý II, sự vận động đi lên, nhưng con số của quý III mới thực sự thuyết phục: sự tăng trưởng được coi là “đột biến” của quý này khẳng định những chính sách kích thích nền kinh tế đã có tác dụng. Sự đi lên của GDP theo từng quý là đúng lộ trình vạch ra.

Còn nhớ, hồi tháng 5 năm nay, trên cơ sở tốc độ tăng trưởng rất khiêm tốn của quý I, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu GDP là 6,7%, kịch bản tăng trưởng quý II phải là 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%.

Như vậy, có thể thấy, trên thực tế tốc độ tăng trưởng của quý II và III khá hơn mức đề ra để phấn đấu: 6,28% so với 6,26% và 7,46% so với 7,29%.

Cụ thể hơn, đối với sản xuất công nghiệp, tính chung 9 tháng chỉ số toàn ngành tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong khi quý I chỉ tăng 3,9% thì sang quý II đã tăng tới 8,1% và với quý III còn ngoạn mục hơn: ước tính tăng 9,7%. Cũng trong thời gian này, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh; số doanh nghiệp trở lại hoạt động cũng tăng hơn.

Tuy nhiên, cũng chưa thể vui mừng hoàn toàn khi mà số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động lần lượt là 8.736 (tăng 4,4%) và 49.345 (tăng 9,4%).

Nếu tốc độ tăng trưởng cao nhưng lạm phát cũng cao thì những kết quả sẽ bị triệt tiêu. Đáng mừng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2017 dừng ở mức tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Và lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm nay cũng chỉ tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Việc giữ được chỉ số CPI ở mức thấp cho thấy sức khỏe của nền kinh tế khá ổn định và những biện pháp ổn định thị trường phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, giới chuyên gia cho rằng, CPI thấp cũng cho thấy sức mua của nền kinh tế thấp, và đó cũng là điều cần phải được quan tâm.

Ở một khía cạnh khác, tín hiệu về sự phát triển của nền kinh tế cũng khá rõ ràng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến hết 20-9, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên 25,48 tỉ USD, tăng đến 34,3% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng thời gian này, các dự án FDI đã giải ngân được 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

3 địa phương thu hút FDI nhiều nhất là TP HCM, Thanh Hóa và Bắc Ninh (lần lượt số vốn đăng ký là 3,74 tỷ USD; 3,15 tỷ USD và 3,14 tỷ USD).

Cùng với những tín hiệu vui từ nền kinh tế thì những ngày qua người ta còn chứng kiến 2 sự kiện quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đó là Diễn đàn kinh tế miền Trung 2017 (ngày 25/9) và Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (ngày 26 và 27/9).

Hai hội nghị nối tiếp diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ cho thấy quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, đồng thời cũng rất thực tiễn của Đảng, Nhà nước.

Đây là hai vùng kinh tế trọng điểm đang đứng trước những thách thức cần phải có giải pháp để vượt qua, đồng thời cũng không thể để thời cơ tại những vùng này bị vuột mất.

Với miền Trung, vấn đề lớn được đặt ra là sự liên kết vùng. Không thể “mạnh tỉnh nào tỉnh ấy chạy” mà phải có sự kết nối để tạo ra sức mạnh của toàn vùng.

Một khu vực kéo dài, hoàn toàn có thể liên kết Bắc-Nam, Đông-Tây nhưng điều đó vẫn dừng ở mức thấp. Vậy thì phải có tư duy mới, phải có hành động mới: xóa bỏ manh mún, cục bộ địa phương, tiến tới liên kết toàn vùng. Tại Diễn đàn, ý kiến thống nhất đặt ra là muốn sự liên kết thành công thì phải tạo thành một “dàn nhạc” và phải có “nhạc trưởng”.

Còn với Đồng bằng sông Cửu Long, những thách thức từ sự biến đổi khí hậu đã được nhận diện một cách sâu sắc. Đó là nạn xâm nhập mặn, triều cường, sụt lún, khô hạn; cùng đó là việc thiếu nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong. Hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực, tìm cho được cơ hội trong nguy cơ đã được đặt ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi trực tiếp thị sát vùng này; sau khi lắng nghe ý kiến của giới khoa học, của đại diện lãnh đạo chính quyền các địa phương, của doanh nghiệp, của chuyên gia nước ngoài... đã nhấn mạnh không nên hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất trong đó có đổi mới tư duy của hệ thống chính trị và người dân, nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu người tại đây.

Bên cạnh những nét đặc thù riêng thì một điểm chung hạn chế sự phát triển của miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long nổi lên là thiếu “nhạc trưởng”.

Từ đó dẫn đến quy hoạch manh mún, cục bộ địa phương, không phát huy được sức mạnh toàn vùng. Vì sao như vậy? Câu hỏi đó cần sớm được trả lời và quan trọng hơn là phải được khắc phục.

Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2017. Thời gian không còn nhiều nhưng thách thức vẫn còn phía trước. Nhưng với những gì đã có được 9 tháng qua, nhất là 3 tháng của quý III, cùng với sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ đối với từng ngành, từng địa phương, từng vùng, chúng ta có quyền hy vọng sự đi lên một cách vững chắc của nền kinh tế đất nước. Niềm tin ấy là có cơ sở không chỉ với những mục tiêu gần mà còn cả với những mục tiêu lớn hơn, xa hơn.

Nam Việt