Khi phụ nữ được phép lái xe

Linh Chi 01/10/2017 07:00

Vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo Arab Saudi đưa ra sắc lệnh cho phép phụ nữ được lái xe hơi, nhiều người dân nước này cũng như người Ả rập đã thể hiện nhiều cảm xúc lẫn lộn về việc đảo ngược một trong những hạn chế từng hứng chịu nhiều chỉ trích nhất của vương quốc này.

Một sắc lệnh hoàng gia được công bố mới đây sẽ cho phép phụ nữ Arab Saudi được phép lái xe hơi - Bộ Ngoại giao nước này hôm 27/9 tuyên bố trên tài khoản Twitter chính thức. Một ủy ban đã được thành lập để thực thi quyết định trên và sẽ đưa ra một số chỉ thị trong vòng 30 ngày. Sau đó, chính phủ sẽ thực hiện sắc lệnh trên từ nay đến ngày 24/6/2018. “Đây là một ngày lịch sử của vương quốc chúng tôi”- Hoàng tử Khaled bin Salman, Đại sứ Arab Saudi tại Mỹ, nói trong một cuộc họp báo.


Hình ảnh “quen thuộc” tại arab saudi.

Động thái gỡ bỏ rào cản đối với phụ nữ được cho là có tác động lớn tới nền kinh tế của Arab Saudi và khả năng làm việc của phụ nữ. Đây chỉ là một trong vô số thay đổi đã diễn ra ở Arab Saudi kể từ khi ông Mohammed bin Salman, 32 tuổi, chính thức nhận được danh hiệu Hoàng Thái tử của nước này.

Vị Hoàng tử trẻ tuổi này hiện đang là người đi đầu trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải cách và biến đổi nền kinh tế của vương quốc Arab Saudi vào năm 2030, và cùng với mục tiêu đó, tăng số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động.

Kế hoạch cải cách tổng thể

Phản ứng được đưa ra về việc gỡ bỏ hạn chế này phần lớn được thể hiện trên các mạng xã hội, trong đó phần lớn hoan nghênh quyết định trên như một bước đi mang tính lịch sử. Nhưng nhiều người khác lại chỉ ra hàng loạt các hạn chế khác đối với phụ nữ Arab Saudi vẫn còn được duy trì, kêu gọi gỡ bỏ chúng.

Một số cho rằng sắc lệnh mới là cách để các nhà cầm quyền đánh lạc hướng dư luận khỏi hàng loạt vấn đề khác mà họ đang gặp phải, mà đáng chú ý nhất trong số này chính là cuộc chiến mà liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đang thực hiện ở quốc gia láng giềng Yemen.

Nhiều người khác thì chờ đợi và quan sát, cho rằng quyết định cho phép phụ nữ lái xe sẽ không có hiệu lực cho tới mùa Hè năm sau. Họ thể hiện quan ngại rằng để có thể thực sự lái xe, phụ nữ có thể vẫn cần sự cho phép của người bảo hộ nam, như chồng hay anh trai, cũng giống như vô số quyết định mà phụ nữ Arab Saudi đưa ra trong cuộc sống của họ.

“Chỉ thị của Arab Saudi về việc cấp bằng lái xe cho phụ nữ vào tháng 6/2018 hiện còn đang chờ kiến nghị của ủy ban”- Yousef Munayyer, Giám đốc Chiến dịch vì Quyền người Palestine của Mỹ, nói. “Việc cho phép phụ nữ lái xe hơi vẫn còn xa”.

Bầu không khí cảnh giác này đã phản ánh được tình thế tiến thoái lưỡng nan mà quốc gia ở khu vực Vùng Vịnh đang phải đối mặt trong lúc thực hiện cuộc cách mạnh về văn hóa, xã hội; điều chưa từng có tiền lệ kể từ ngày thành lập quốc gia năm 1932. Kể cả khi Vương quốc này nỗ lực hiện đại hóa xã hội thông qua các cuộc cải cách do Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman dẫn đầu, thì tầng lớp bảo thủ cực đoan ở nước này vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Quốc vương Salman, người đã ký sắc lệnh này trong hôm thứ Ba vừa qua, đã tuyên bố rằng đa số các Giáo sỹ của Quốc vương này giờ đã lên tiếng khẳng định rằng việc cho phép phụ nữ được lái xe hơi là có thể chấp nhận chiếu theo luật Hồi giáo. Nhưng sự ngờ vực vẫn tồn tại, phần lớn là do phụ nữ ở Vương quốc này đã quá quen với giới hạn hà khắc.

Biểu tượng của tự do

Phụ nữ Arab Saudi hiện nay vẫn bị hạn chế theo nhiều cách: Họ cần có sự cho phép của người bảo hộ nam để di chuyển, để có hộ chiếu, ký kết các hợp đồng, hôn nhân hay ly dị... Họ phải tuân thủ các quy tắc về ăn mặc hết sức khắt khe theo đạo luật Hồi giáo. Xe buýt công cộng, công viên, các bãi biển hay công viên giải trí đều là những thứ họ khó có thể với tới.

Tuy nhiên, đối với góc nhìn của thế giới, biểu tượng của sự thiếu tự do của phụ nữ Arab Saudi chính là việc họ bị cấm lái xe hơi.

Chính phủ Arab Saudi đã hãnh diện tuyên bố về sự thay đổi trong hôm thứ Ba vừa qua như một phần trong kế hoạch hiện đại hóa tổng thể của Vương quốc, một quyết định không hề dựa trên yếu tố tôn giáo mà về mặt xã hội và kinh tế. Giới chức nước này cho hay việc thực thi sắc lệnh mới vào tháng 6/2018 sẽ cho phép Quốc vương này tạo nên một môi trường pháp lý tốt hơn để xử lý vấn đề về gia tăng lưu lượng giao thông.

Nhưng ngay trong hôm thứ Tư, một số nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi rằng liệu phụ nữ có thực sự được cho phép lái xe với sự tự do toàn diện hay không.

“Câu hỏi ở đây là, liệu quyết định trên chỉ là một chiêu PR ngắn hạn hay sẽ là khởi đầu của một cuộc cải cách mới ở Vương quốc này”- Madawi al-Rasheed, chuyên gia về Trung Đông thuộc ĐH Kinh tế London (Anh), nhận xét. “Chúng ta chỉ có thể biết câu trả lời khi nghe tin về tiến trình cải cách tiếp theo dựa trên quyết định này”.

Bà Rasheed còn cho hay Arab Saudi đang đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao và các mối thông thương với một số quốc gia thành viên của LHQ - các bên đang cân nhắc đề xuất cử điều tra viên độc lập của LHQ tới điều tra các tội ác chiến tranh của nước này ở Yemen.

Theo vị chuyên gia, những người thực sự được hoan nghênh đằng sau quyết định cho phép phụ nữ lái xe vừa qua chính là rất nhiều nhà hoạt động nữ ở Arab Saudi, những người đã bỏ ra nhiều năm liền vận động bãi bỏ lệnh cấm trên, đăng tải vô số các đoạn video có cảnh họ đang lái xe trên các con đường của Vương quốc này.


Việc gỡ bỏ hạn chế lái xe đối với phụ nữ ở Arab Saudi vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều.

Hân hoan và ngờ vực

Trong tuần qua, nhiều phụ nữ ở thủ phủ của Arab Saudi, Riyadh, đã mô tả sắc lệnh trên như một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của họ.

“Phụ nữ được phép lái xe chính là một cột mốc lớn đối với đất nước của chúng tôi”- Hind Alzahid, một nữ doanh nhân Arab Saudi nói. “Tôi tin rằng nó sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng văn hóa đầy triển vọng”.

Bà Alzahid cũng thêm rằng sắc lệnh trên “chắc chắn sẽ dẫn tới việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng nhân công” của Arab Saudi. Và đó chính xác là điều mà chính phủ Arab Saudi mong muốn. Kế hoạch cải cách tổng thể của họ được thiết kế nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn tập trung nặng nề vào khai thác dầu mỏ. Tâm điểm của kế hoạch tổng thể này không gì khác chính là tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng nhân công từ 22% lên 30% trong năm 2030.

Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo của Vương quốc này đã nỗ lực không ngừng để cải thiện điều kiện sống của phụ nữ, đặc biệt là ở môi trường công sở. Quyền lực của lực lượng cảnh sát tôn giáo ở nước này đã bị hạn chế, trong khi phụ nữ và nam giới ở các vị trí công việc chính phủ nhận được mức lương tương đương. Kể từ cuối tuần trước, phụ nữ còn lần đầu tiên được tham dự một buổi lễ đặc biệt mừng ngày quốc khánh.

Trước đây, theo luật lệ hà khắc, phụ nữ Arab Saudi không được phép tham gia các sự kiện công cộng do chính quyền không cho phép phụ nữ tiếp xúc cùng những người đàn ông không có liên quan tới họ.

Sắc lệnh mới cũng lập tức nhận được sự hoan nghênh của nam giới ở Arab Saudi.

“Việc lái xe đưa con đến trường chưa bao giờ dễ chịu đối với tôi, đặc biệt là với tình trạng giao thông ở Riyadh”- Mohammad bin Fahad, 70 tuổi, một nhân viên chính phủ về hưu có 4 cô con gái nói. “Ngoài ra nó cũng là một vấn đề tài chính. Không có điều luật Hồi giáo nào cấm phụ nữ lái xe, đó chỉ là cách hiểu cực đoan”.

“Tôi sẽ là người đầu tiên đưa con gái đi học lấy bằng lái xe”- ông bin Fahad nói thêm. “Đây là một quyền cơ bản, và phụ nữ cần phải có nó”.

Nhưng không phải ai cũng vui mừng với việc gỡ bỏ hạn chế này. Một số người lập tức đổ lên mạng xã hội Twitter để thể hiện sự phản đối của họ. Còn đối với bà Alzahid, việc được phép lái xe một cách hợp pháp “sẽ dọn đường cho nhiều cuộc cải cách khác sắp diễn ra”.

Linh Chi