Vào “làng trung thu”

Dương Minh 01/10/2017 08:00

Nổi tiếng với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, đó là thôn Hảo thuộc xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên. Những ngày qua trong làng, các nghệ nhân và những người thợ cần mẫn sản xuất mặt nạ, đầu sư tử, các loại đèn... cho mùa trung thu 2017.

Giữ hồn đồ chơi Việt
Cuối thế kỷ trước, vào những năm giữa hai thập kỷ 80-90, nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của thôn Hảo vốn đã hình thành, được phát triển mạnh. Xưa kia các hộ dân trong làng tập trung làm chủ yếu là những chiếc trống, về sau nghề phát triển hơn với những sản phẩm phong phú như: mặt nạ, đèn ông sao, đèn kéo quân..., càng đậm nét cổ truyền của dân tộc.

Giữa những ngày tấp nập chuẩn bị hàng phục vụ trung thu, chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Vũ Thị Thoàn ở trong làng, đã có hơn năm đời gắn bó với nghề làm trống truyền thống. Bà cho biết: “Tôi theo nghề từ năm 12 tuổi, khi đó cả làng đều làm trống. Những năm qua, không khí ngày tết trung thu rất hăng hái, ngay từ sáng sớm nhiều hộ gia đình đã mang những chiếc tang trống, chiếc mặt nạ mới làm ra phơi từ đầu làng đến cuối làng, xe đẩy vận chuyển hàng đi giao rất tấp nập, trẻ nhỏ, người lớn đều tham gia vẽ màu lên những chiếc mặt nạ chú Tễu, Tôn Ngộ Không, ông Địa... có hình thù rất đẹp”.

Để làm ra một chiếc mặt nạ, các nghệ nhân và những người thợ thôn Hảo phải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng. Bà Thoàn cho hay, những chiếc mặt nạ ông Địa, chú Tễu... được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bìa hoặc giấy bồi được nhào ướt thêm ít xi măng cho chắc chắn, sau đó cho vào khuôn khắc họa các nhân vật yêu thích theo ý muốn.

Những người thợ dựa trên những cốt mặt nạ bằng xi măng, những tấm bìa các-tông, giấy báo cũ được xé, dán quét lên lớp hồ làm từ bột sắn để tạo ra những chiếc mặt nạ.

Các cốt mặt nạ được bồi thêm giấy cho chắc, cứng sau đó đem phơi khô ngoài sân, cuối cùng được vẽ màu lên. “Các công đoạn xem ra có vẻ đơn giản, nhưng trong đó kết tinh mồ hôi, công sức, niềm đam mê mà những người làm nghề truyền thống như chúng tôi muốn hướng tới”, bà Thoàn tâm sự.

Nếu trước kia, các hộ làm mặt nạ trong thôn chỉ có 8 mẫu chính thì nay đã phát triển phong phú hơn với 25 mẫu, được thiếu nhi rất yêu mến. Đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ đẹp mà còn giàu bản sắc dân tộc, giúp cho những thế hệ sau có dịp hiểu thêm về nét truyền thống cổ truyền của cha ông. Sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu đơn giản gần gũi với con người, bà Thoàn chia sẻ, các sản phẩm làm ra những chiếc mặt nạ, chiếc trống rất đơn giản như giấy, bìa cốt tông, tre, nứa..., bền đẹp, nhiều sản phẩm biết bảo quản thì giữ được một đến hai năm.

Để cung cấp hàng phục vụ mỗi mùa trung thu, ngoài huy động anh em họ hàng, gia đình còn thuê thêm các hộ trong làng đến gia công các sản phẩm. Bình quân mỗi năm gia đình bà Thoàn xuất ra thị trường khoảng 25 nghìn chiếc mặt nạ, 30 nghìn cặp trống, 12 nghìn đầu sư tử… Trừ các khoản tri tiêu, thuê nhân công, tiền thu về cũng tính đến hàng trăm triệu.

Nhiều thế hệ trong gia đình gắn bó với nghề làm đèn ông sao, nghệ nhân Vũ Minh Hậu cũng là người địa phương cho biết, làm chiếc đèn, sao cho đẹp, chắc phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc chọn nứa cho đến việc cắt dán. Trước hết lựa chọn được nan phải là loại nứa bánh tẻ, trẻ ra thành nhiều đoạn, được ngâm dưới nước vôi trong để loại bỏ hết mối mọt. Lựa chọn nứa có đốt dài mới tạo ra được độ dẻo thì khung đèn mới chắc. Sau khi ngâm nước xong, nứa được đem đi phơi nắng và chẻ thành nan. Công đoạn cuối cùng là ghép, dán giấy và trang trí cờ cho chiếc đèn.

Theo bà Vũ Thị Thoàn, những chiếc mặt nạ ông Địa, chú Tễu... được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bìa hoặc giấy bồi được nhào ướt thêm ít xi măng cho chắc chắn, sau đó cho vào khuôn khắc họa các nhân vật yêu thích theo ý muốn. Những người thợ dựa trên những cốt mặt nạ bằng xi măng, những tấm bìa các-tông, giấy báo cũ được xé, dán quét lên lớp hồ làm từ bột sắn để tạo ra những chiếc mặt nạ. Các cốt mặt nạ được bồi thêm giấy cho chắc, cứng sau đó đem phơi khô ngoài sân, cuối cùng được vẽ màu lên. “Các công đoạn xem ra có vẻ đơn giản, nhưng trong đó kết tinh mồ hôi, công sức, niềm đam mê mà những người làm nghề truyền thống như chúng tôi muốn hướng tới”- bà Thoàn tâm sự.


Tín hiệu vui cho làng nghề
Trên thị trường lâu nay, đồ chơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, có mẫu mã bắt mắt, khiến cho những chiếc đèn bị bị cạnh tranh gay gắt, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn khác với đồ chơi truyền thống, nên nhiều gia đình làm nghề, trong đó có nhà ông Vũ Minh Hậu cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Lưu Đình Tuấn - Trưởng ban văn hóa xã, từ lâu thôn ông Hảo nổi tiếng là nơi cung cấp một lượng lớn đồ chơi trung thu truyền thống cho trong và ngoài tỉnh. Cách đây hơn chục năm, 70% số hộ trong thôn gắn bó mới nghề, nhà nhà, người người đều tham gia làm nghề. Tuy nhiên, hiện nay theo cơ chế thị trường, các công ty, doanh nghiệp xây dựng, phát triển trên địa bàn ngày càng nhiều, đã làm hạn chế số hộ bám trụ với nghề làm đồ chơi trung thu. Tính đến nay cả xã có 30 trên tổng số 258 hộ còn tiếp tục bám trụ nghề này.

Nhưng năm nay, niềm vui đến khi ngay từ đầu tháng tám âm lịch, gia đình ông Hậu, bà Thoàn đều nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, TPHCM... Những ngày qua, cơ sở sản xuất của ông Hậu đã làm ra được 15 nghìn chiếc đèn ông sao; cơ sở nhà bà Thoàn cũng xuất tới 60 nghìn cặp trống, đầu sư tử, mặt nạ. Công việc sản xuất tiến hành cả ngày và đêm, thậm chí còn làm không kịp bán trên thị trường.

Lý giải về sự tăng nhanh “đột biến” của đầu ra các sản phẩm, ông Hậu cho rằng, báo, đài đã phản ánh những thông tin về chất lượng của sản phẩm đồ chơi có xuất xứ nước ngoài nhưng chất lượng nguyên vật liệu kém, có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ. Chính vì vậy nhiều ông bố, bà mẹ đã mua các đồ chơi truyền thống thay vì chọn những mặt hàng vật liệu kém đó. Nhiều cơ sở bán hàng ở phố Hàng Mã - Hà Nội đến nhập hàng tại làng ông Hảo cũng nói rằng, năm nay sẽ bán 100% đồ chơi Việt Nam. “Trong khi đó, có một thực tế là những làng nghề làm đồ chơi truyền thống như chúng tôi đang bị mai một. Vì thế, năm nay, mọi người mua nhiều, có những khi chúng tôi còn không kịp bán, thậm chí phải từ chối nhiều đơn hàng do sợ chậm tiến độ giao hàng”.

“Hiện nay, tết trung thu đang bị mai một đi nét cổ truyền, chính những người làm nghề như chúng tôi đang cố gắng giữ, xây dựng lại tinh hoa cổ truyền. Mỗi người chúng tôi luôn luôn tâm niệm “khi nào hết trung thu thì khi đó mới không có những người làm nghề truyền thống ở làng Hảo”, bà bộc bạch.

Dương Minh