Những loài cá quý
Việt Nam với hệ thống sông ngòi chằng chịt có rất nhiều loài cá nước ngọt quý hiếm. Trước đây, có những loài đặc biệt để dành tiến vua. Sau này, một số loài đã được nuôi thả, nhưng cá trong tự nhiên mới được đánh giá cao.
Cá Sủ vàng.
Trong những loài cá quý hiếm, trước tiên phải kể đến cá Anh vũ. Đây là loài cá chỉ dành “tiến vua”- có nghĩa là nó rất ngon, rất hiếm, chỉ tầng lớp quan lại, vua chúa giàu có ngày trước mới có điều kiện sử dụng. Cá Anh vũ thường sống theo đàn, tuy rằng số lượng mỗi đàn không nhiều và cũng rất hiếm khi người ta bắt được một lúc vài con.
Loài cá này chỉ có ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều ở thượng nguồn sông Đà, sông Hồng, sông Kỳ Cùng và cũng xuất hiện tuy rất hiếm hoi ở sông Lam. Chúng sống trong những dòng suối nước xiết, và đặc biệt là ở những nơi nước trong và lạnh, do đó thịt khá chắc và thơm. Thức ăn của cá Anh vũ chủ yếu là rong rêu và một số sinh vật phù du, nên chúng lớn rất chậm. Một con Anh vũ chừng 2 cân, thường thì chúng đã sống vài ba năm trở lên.
Dân gian kể rằng, loài cá này đã được Vua Hùng đặt tên và phong là “Văn Lang đệ nhất ngư”. Thực tế thì Anh vũ thuộc họ cá chép, miệng cá nằm ở phía dưới, rạch ngang, môi dưới rộng hình tam giác, với nhiều gai thịt tròn nổi, trên đầu không có râu. Cá Anh vũ là món ăn rất ngon khi được hấp và làm món chả cá. Do rất đắt nên cũng ít người có dịp được thưởng thức món cá này.
Cá Anh vũ.
Hiện cá Anh vũ đã được nuôi, nhưng giá của chúng vẫn rất đắt: từ 700.000 đến 1 triệu đồng/kg.
Tiếp đến phải kể tới cá Sủ vàng. Tên gọi của chúng bắt nguồn từ lớp vảy vàng lấp lánh, rất đẹp mắt; đặc biệt là ở bộ vây. Đây là loài cá nước ngọt lớn, khi trưởng thành có con nặng tới 100kg, với chiều dài trung bình 1,5m. Tất cả các bộ phận của cá Sủ vàng đều có giá trị kinh tế cao, từ thịt, râu, vây, bong bóng...
Riêng với bong bóng, người bán thường giữ lại vì nó được coi là rất bổ dưỡng, ăn giòn và ngọt, được cho là rất tốt đối với những người bị bệnh thiếu máu, cơ thể suy nhược. Khi có được bong bóng cá Sủ vàng, người ta thường phơi khô, sử dụng dần giống như dùng nhân sâm.
Tối ngày 17/4 vừa qua, một người câu cá tên là Quân (trú tại phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã câu được một con Sủ vàng lớn ở cửa sông Đồng Nai. Anh Quân đã thuê taxi chở con cá về nhà. “Tôi đã đi câu trên sông Đồng Nai gần 20 năm nhưng chưa từng thấy ai câu được loại cá như thế này”- ông Quân nói. Trước đó chừng 1 tháng, một ngư dân Nghệ An cũng bắt được một con Sủ vàng 8kg và đã bán được gần 1 tỷ đồng.
Cá Hô.
Cá Hô là một loại cá quý hiếm đã được cảnh báo. Dân gian cho rằng người ăn cá Hô sẽ có nhiều may mắn, tài lộc. Thịt cá Hô dẻo nhưng lại mềm với nhiều lớp sụn mỏng. Người ta thường nướng muối ớt hoặc hấp xì dầu khi chế biến. Trung bình 1kg cá Hô có giá 1 triệu đồng.
Với những loài cá nước ngọt quý hiếm, tới nay người ta lấy làm lo ngại khi chúng ngày một ít đi. Chúng bị đánh bắt quá dữ dội do giá bán cao, mặt khác khi đã là loài cá ngon thì sự sinh nở của chúng chậm, vả lại cá con cũng thường bị những loài cá khác ăn mất. Những con còn sống sót buộc phải trải qua những thời gian sống rất khó khăn trong môi trường tự nhiên “cá lớn nuốt cá bé”.
Trong số đó có thể kể đến cá Rầm xanh, một loài thuộc họ cá Chép, chỉ có ở những dòng sông các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Cá Rầm xanh xương mềm, thịt ngọt, đặc biệt ngon ở buồng trứng bùi, ngậy.
Cá Tràu.
Cá Tràu là loài cá thuộc họ cá Quả, không quá hiếm nhưng tới nay chúng cũng không còn nhiều trong môi trường tự nhiên. Tại vùng núi đá vôi Ninh Bình, từ xưa cá Tràu đã được người dân săn tìm, chúng cũng là loài cá tiến vua. Tương truyền, từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, người Ninh Bình đã bắt cá Tràu để dâng lên ngài.
Cũng không hiểu sao loài cá này còn được người dân gọi là cá “trèo đồi”, có thể do chúng khá khỏe, có khả năng trườn trên đá và lách lên những điểm cao hơn. Cá Tràu ngon nhất khi chúng sống ở nguồn nước ven các khe đá, khiến thịt của chúng chắc và thơm.
Cũng tại Ninh Bình, cá Rô tổng trường cũng rất ngon. Chúng sống trong những hang động ngập nước vùng Hoa Lư. Gọi là “cá rô tổng trường” vì loài cá này được phát hiện thấy ở vùng tổng Trường Yên. Thịt của chúng béo, thơm, dai, ngon.
Cùng với cá Tràu, cá Rô tổng trường là “bộ đôi” tiến vua nổi tiếng từ thời Đinh - Tiền Lê, đã đi vào văn hóa dân gian với câu khẩu ngữ “Cá Rô tổng trường/ Cá Tràu tiến vua”. Từ năm 2009, hai loài cá này đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 chính thức đưa vào chương trình bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch.
Cá Chiên.
Cuối cùng, trong số những loài cá nước ngọt quý hiếm ở nước ta, còn có thể kể đến cá Chiên, một loài cá da trơn chỉ có ở các dòng sông ở miền núi phía Bắc. Chúng được mệnh danh là “chúa tể lòng sông” vì bản tính rất hung dữ. Một con cá Chiên trưởng thành có thể tới 80kg. Nó nổi tiếng nhờ bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật.
Trước nguy cơ biến mất của những loài cá nước ngọt quý hiếm, cơ quan chức năng đã tìm nhiều cách để nuôi thả, nhân giống chúng. Tuy nhiên, kết quả thu lại chưa nhiều, trước tiên là do nuôi chúng khá kỳ công, tốn kém, khiến cho giá thành thương phẩm đội lên cao.
Nhưng cũng không vì thế mà những nỗ lực bảo tồn, phát triển chúng ngưng lại. Hy vọng tương lai không xa, những loài cá quý hiếm đó sẽ trở nên phổ biến hơn, để người dân có dịp thưởng thức vị thơm ngon đặc biệt của chúng.