Độc đáo Tết té nước
Bộ VHTT&DL vừa công bố Danh mục 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, riêng tỉnh Điện Biên có 2 di sản nằm trong danh sách, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể của Điện Biên lên 6 di sản. 2 di sản gồm: Tết té nước (Bun huột nặm) và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa. Trong số báo này xin giới thiệu về Tết té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên.
Tết té nước (còn gọi là Bun huột nặm) là một lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Theo đó, cứ vào trung tuần tháng 4, khi mùa hoa gạo, hoa pít nở bà con ở đây lại rộn rã tổ chức “Bun huột nặm” để đem lại sự mát mẻ, tốt tươi cho khắp mọi nhà và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.
Để chuẩn bị cho lễ hội, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm, bà con ở bản Nà Sang lại tấp nập chuẩn bị cho lễ hội. Đặc biệt là đến ngày hội, từ sáng sớm người giả trẻ nhỏ đều nô nức đến trung tâm văn hóa bản. Dịp này, thiếu nữ Lào xúng xính với trang phục truyền thống: chiếc váy “sinh” được làm bằng tơ lụa, dệt họa tiết tinh tế ở chân váy, áo được quàng chéo thêm chiếc khăn “Phạ biềng” gắn bằng khuy bạc với màu sặc sỡ. Những người già thì có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị kỹ lễ vật để cầu khấn thần linh. Thanh niên thì được cử đi mổ bò, chuẩn bị trống chiêng, súng nước…
Té nước chúc phúc nhau.
Tết té nước gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu trước bằng các nghi lễ cầu may mắn, cầu sức khỏe. Thông thường, phần lễ khấn này được giao cho những phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm trong bản chủ trì. Lễ vật gồm bánh nếp, hoa quả, chỉ quấn tay, nước thánh, xôi nếp… Điều đặc biệt là lễ vật dâng lên thần linh chỉ có đồ ăn chay.
Sau lễ khấn, mọi người cùng tiến lên ngồi cạnh bên lễ vật và được những phụ nữ lớn tuổi trong bản đeo chỉ tay chúc phúc một năm an lành, hạnh phúc, may mắn. Ngoài ra các vị khách cũng được quàng lên cổ một chiếc vòng đủ màu sắc được làm bằng lõi cây được lấy trên rừng.
Chiếc vòng mang ý nghĩa của sự đoàn kết, quanh năm luôn nở nụ cười trên môi. Cùng lúc đó một phụ nữ khác cầm nước thánh vẩy ướt cho tất cả mọi người để rửa trôi đi những bụi bẩn, những việc không may mắn của năm cũ.
Những chiếc vòng may mắn thường để dành cho các vị khách quý đến thăm bản trong ngày Tết té nước.
Sau phần lễ, dân bản tập trung ra bãi đất trống để cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống như rắn bắt ngóe, hổ vồ lợn, rùa ấp trứng, hái dưa… hòa chung với tiếng trống, chiêng, tiếng reo hò của mọi người làm cho không khí ngày tết tưng bừng, sôi động.
Sau đó mọi người trong bản cùng kéo đến các gia đình khá giả. Dẫn đầu đoàn là những người phụ nữ lớn tuổi, mặc trang phục truyền thống để xin các gia đình này tưới nước, chúc phúc. Bà con quan niệm, những giọt nước này tượng trưng cho những giọt nước của ông trời mang lại, ban phước một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mọi người khỏe mạnh, an bình hạnh phúc.
Trong ngày này, mọi gia đình trong bản đều chuẩn bị những chum, hụ để đựng nước, khách đến chơi nhà đều được gia chủ tưới nước lên người. Những chiếc xe chở nước cũng được các nam thanh niên đưa đi dọc đường trong bản, gặp ai cũng có thể phun nước lên người. Trẻ em thì chuẩn bị súng nước được làm từ ống tre, vui vẻ phun nước lên nhau. Còn phụ nữ thì nô đùa bên dòng suối, té nước lên người nhau dù cho đó là những thiếu nữ đang mặc những trang phục truyền thống thật rực rỡ...
Bà con ở đây quan niệm, trong ngày này, ai càng ướt nhiều càng gặp nhiều may mắn. Nước giúp gột rửa những điều không may mắn, bước sang năm mới sạch sẽ, khỏe mạnh…
Đây thật sự là một ngày tết vui vẻ, đoàn kết để bà con bước vào năm mới vui tươi, phấn khởi. Tết té nước đã được cộng đồng người lào ở bản Na Sang lưu truyền từ nhiều đời nay. Ngoài giá trị tâm linh, lễ hội còn có ý nghĩa lớn về tinh thần, giúp cho cộng đồng dân tộc Lào cùng nhau gắn kết, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
6 di sản văn hoa phi vật thể của tỉnh Điện Biên gồm: Xòe Thái; Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ) tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà. |